Cây kim ngân được nhiều người ưa chuộng sử dụng làm vật phong thủy trong phòng làm việc hoặc không gian sống. Đây là loại cây tượng trưng cho tiền tài, may mắn.
Quy tắc “3 không” khi trồng cây kim ngân
1. Không trồng cây kim ngân ở nơi quá nhiều ánh sáng
Hầu hết các loài thực vật đều ưa sáng, nên khi trồng cây trong nhà đều khuyến khích thường xuyên đem ra chỗ có càng nhiều ánh sáng càng tốt, nếu không cây sẽ chậm phát triển, thậm chí không còn sức sống. Thế nhưng, cây kim ngân dù là thực vật nhưng lại không khuyến khích làm điều này, nhà nào đang trồng thì hãy lưu ý, bởi nó thuộc trường hợp không có yêu cầu cao về ánh sáng. Vậy nên, mọi người hạn chế tối đa việc đem cây kim ngân ra phơi nắng, nhất là nơi có ánh sáng mạnh, bị mặt trời trực tiếp chiếu vào, như thế cây mới ra lá xanh tươi, thích hợp làm cảnh trong nhà.
2. Không tưới nước cho cây kim ngân thường xuyên
Không chỉ ngược đời về ánh sáng, cây kim ngân còn khiến nhiều người bất ngờ khi cũng không yêu cầu cao về việc tưới nước. Nếu như những loại cây khác đòi hỏi người trồng phải nhọc công tưới nước thường xuyên, thậm chí ngày tưới mấy lần, sau đó nước rỉ ra còn phải lau chùi vất vả. Riêng cây kim ngân thì người trồng rất nhàn hạ, bởi lẽ tưới thường xuyên sẽ khiến cây bị úng nước, vàng lá, thối rễ nên chỉ cần cách 10 ngày tưới 1 lần là được.
3. Không chú ý dinh dưỡng đất
Nếu như cây kim ngân không đòi hỏi cao về ánh sáng và nước thì tất nhiên sẽ bù qua yếu tố khác, đó chính là dinh dưỡng trong đất. Vậy nên, mọi người phải nhớ hòa tan 100g phân NPK với 10 lít nước, rồi tưới lên gốc và khi cây phát triển càng lớn thì cách 20 ngày hãy thực hiện việc bón phân này một lần. Lưu ý, với những cây đã có hoa và quả thì mọi người nên bón phân kali cho cây cũng theo tỷ lệ tương tự như phân NPK, chỉ khác là tưới đều lên bề mặt chậu, không tưới lên thân và lá vì sẽ làm khô nóng cây, phản tác dụng.
Trường hợp cây kim ngân có dấu hiệu bị vàng lá thì không loại trừ khả năng bị yếm khí do đặt ở nơi quá tối, quá bí bách. Lúc này, mọi người cần ngăn chặn tình trạng tồi tệ hơn, bằng cách di chuyển cây đặt ở nơi thông thoáng, nhưng cũng phải nhớ tránh ánh nắng mặt trời. Hoặc cũng có thể cây kim ngân bị thừa nước nên mới bị vàng lá, nên mọi người cứ ngưng tưới thời gian, đến khi nào thấy đất trong chậu khô hoàn toàn thì mới tưới lại, như thế cây sẽ dần phục hồi xanh tươi.
Ngoài ra, nếu cây kim ngân có dấu hiệu bị khô héo, rụng lá thì mọi người đừng quá lo lắng, mà hãy cấp thêm chất dinh dưỡng cho cây. Tốt nhất, mọi người nên hòa đạm với nước ở nồng độ thấp và tưới cho cây mỗi tuần một lần. Từ từ cây sẽ ổn định, lấy lại vẻ tươi tốt và việc cuối cùng mọi người phải làm thay đổi đất trồng. Tốt nhất nên chọn loại đất mục, phù sa, và bón phân trước khi trồng lại cây kim ngân nha.
Ý nghĩa phong thuỷ của cây kim ngân
Kim ngân được biết đến là một trong số những loại cây phong thuỷ, mang lại nhiều tiền tài và may mắn cho gia chủ. Do vậy, loại cây này rất được ưa chuộng để trồng làm cây cảnh trong nhà hoặc công ty.
Có hình dáng vững chãi và hiên ngang, thân cây kim ngân xoắn vào nhau tượng trưng cho sự đoàn kết, cùng nhau vượt qua khó khăn. Lá cây xum xuê, xanh tốt quanh năm ngụ ý tài lộc thịnh vượng.
Với tên gọi kim ngân, trong tiếng Hán, “kim” có nghĩa là vàng, hiện kim. Còn “ngân” tức là ngân lượng, tiền của. Hai chữ kim và ngân đi cạnh nhau càng bổ sung ý nghĩa, ngụ ý tiền bạc dồi dào, ngày càng đong đầy.
Khi trồng cây kim ngân làm cảnh, số lượng cây trong chậu cũng mang lại ý nghĩa về phong thuỷ khác nhau, cụ thể:
Trồng 1 cây kim ngân duy nhất trong chậu thì thân cây phải to và mập mạp. Đây là thế “Trụ thiên”, mang ý nghĩa vững vàng và kiên định;
Trồng 3 cây kim ngân trong chậu, thân các cây xoắn lại với nhau gọi là thế “Phúc – Lộc – Thọ”. Thế cây này mang ý nghĩa gắn kết bền chặt, 3 cây vừa tượng trưng cho Phúc – Lộc – Thọ vừa ngụ ý cho Thiên thời – Địa lợi – Nhân hoà. Gia chủ làm việc gì cũng có sự trợ giúp và thuận buồm xuôi gió;
Trồng 5 cây kim ngân trong chậu là thế “Ngũ phúc”, tức Phúc – Lộc – Thọ – An – Khang. Đây là thế cây biểu trưng cho sự hoà hợp và những điều tốt lành sẽ đến trong cuộc sống. Nhằm đáp ứng nhu cầu mua để làm quà tặng, một số nhà vườn còn chào bán các chậu kim ngân được trang trí như tiểu cảnh.
Cây kim ngân hợp với mệnh gì?
Vì là loài cây thân gỗ với là màu xanh tươi tốt quanh năm nên kim ngân được xếp vào hành Mộc. Theo Ngũ hành, Mộc sinh Hoả, do đó cây kim ngân sẽ hợp với người mệnh Mộc và mệnh Hoả.
Cũng có quan điểm lá cây kim ngân xoè 5 nhánh biểu tượng cho sự cân bằng của 5 yếu tố “Kim – Mộc – Thuỷ – Hoả – Thổ” trong Ngũ hành. Do đó, loài cây này hầu như không tương khắc với mệnh nào.
Là loại cây phong thuỷ, kim ngân hợp với hầu hết các tuổi. Theo các chuyên gia phong thuỷ, cây kim ngân sẽ khắc phục những nhược điểm về tính cách của những người tuổi Tuất, Thân, Tý.
Những người tuổi nói trên thường sống chân thành, tốt tính nhưng lòng tốt của họ thường bị lợi dụng. Trồng kim ngân sẽ giúp cho những người tuổi này có được sự cân bằng, hài hoà, đi đúng hướng để thành công.