Cách để Làm hệ thống tưới nhỏ giọt bằng chai nhựa
Một số loài cây đòi hỏi phải tưới thường xuyên mà không phải ai cũng đáp ứng được. Nếu trong nhà có nhiều cây xanh háo nước và bạn không có thời gian để tưới, có lẽ bạn nên lắp hệ thống tưới nhỏ giọt. Các thiết bị này có thể khiến bạn tốn không ít tiền nếu mua ở cửa hàng, nhưng may mắn là bạn có thể tự làm hệ thống tưới nhỏ giọt tại nhà với các chai nhựa khá dễ dàng mà không tốn kém bao nhiêu, và tốt hơn cả là bạn đang giúp ích cho môi trường bằng việc tái chế các chai nhựa.
Hướng dẫn các cách làm bình tưới cây bằng chai nhựa
Tái chế chai nhựa thành giá đỡ cây đã quá quen thuộc, bạn hoàn toàn có thể áp dụng cách làm bình tưới cây bằng chai nhựa thậm chí biến chúng thành một hệ thống tưới tiêu cho khu vườn nhà bạn. Chỉ cần bỏ thêm ít thời gian và một chút khéo léo, bạn đã có ngay dụng cụ làm vườn mới.
Chế bình tưới cây phun sương
Dụng cụ:
1 chai nhựa rỗng
1 mỏ hàn hoặc vật nhọn để đâm thủng chai
Băng keo một mặt
Cách thực hiện:
Dùng mỏ hàn tạo thành những lỗ nhỏ ở bên dưới đáy chai. Chú ý tạo những lỗ có khoảng cách đều nhau để nước tưới có thể đồng đều hơn.
Cho đầu vòi nước vào bên trong miệng chai rồi sử dụng một chiếc băng keo để dán chặt lại.
Cuối cùng mở vòi nước. Bằng cách này, nước sẽ tưới đều khắp khu vườn mà bạn chẳng cần tốn công kéo đi khắp nơi.
Hướng dẫn cách làm bình tưới nhỏ giọt bằng chai nhựa rỗng
Dụng cụ:
Chai nhựa có nắp đậy loại có dung tích khoảng 2 lít (số lượng chai sẽ phụ thuộc vào số cây cần tưới)
Máy khoan hoặc đinh nhọn
1 con dao
Cách thực hiện:
Sử dụng khoan hoặc đinh nhọn tạo 3-5 lỗ ở phần nắp chai. Lưu ý càng nhiều lỗ thì nước nhỏ càng nhanh và ngược lại. Bạn cũng tránh khoan lỗ quá nhỏ bởi rất dễ bị tắc bởi các mảnh vụn.
Sử dụng một con dao cắt bỏ đi phần đáy của chai nhựa. Bằng cách này bạn có thể đổ nước vào dễ hơn cũng như hứng nước mưa, tạo độ thông thoáng cho đất trồng.
Đào lỗ nhỏ bên cạnh cây cần tưới nước hoặc giữa những nhóm cây (rau cải, mồng tơi, rau muống…) và chôn xuống ½ – ⅓ thân chai. Bạn chú ý cố định chai nước để tránh bị đổ ngã hoặc xê dịch khỏi vị trí ban đầu.
Cuối cùng, đổ đầy nước vào bên trong chai để hoàn thành hệ thống tưới nhỏ giọt. Cách 1-2 tuần, bạn có thể pha thêm phân bón vào nước để cây trồng hấp thụ dưỡng chất. Lưu ý chọn loại phân dễ tan để không làm nghẹt các lỗ nhỏ giọt của chai.
Ngoài ra, bạn nên chú ý xem xét mực nước bên trong chai để đảm bảo không bị nghẽn nước. Chỉ với cách làm bình tưới cây bằng chai nhựa đơn giản, khu vườn nhà bạn vừa có hệ thống tưới tiêu cực kỳ hiệu quả.
Chế bình tưới nước nhỏ giọt bằng chai nhựa cho nhiều cây
Dụng cụ:
1 bình rỗng 20 lít
Máy khoan hoặc que sắt đun nóng
Dây chuyền nước
Cách thực hiện:
Dùng que sắt để đục lỗ bên trên thân bình rỗng 20 lít. Số lượng lỗ sẽ phụ thuộc vào số chậu cây cũng như ống truyền đang có.
Sử dụng băng keo để dán đầu ống truyền để nước không bị rò rỉ ra bên ngoài. Đầu ống còn lại sẽ dẫn vào những chậu cây.
Bạn nên đặt bình nước lên cao rồi đổ nước đầy bình là được. Thông thường dây chuyền sẽ có van đóng mở nên bạn có thể điều chỉnh tùy thuộc vào nhu cầu của từng cây trồng.
Nhìn chung, cách làm bình tưới cây bằng chai nhựa này sẽ rất phù hợp với khu vườn nhỏ nằm trên sân thượng cũng như những bạn không có nhiều thời gian để chăm sóc vườn cây.
Ưu điểm của cách tưới cây bằng hệ thống nhỏ giọt bằng chai nhựa
Tiết kiệm nước: Phần lớn nước sẽ được đất trồng cũng như cây hấp thụ giúp tiết kiệm nước hơn so với phương pháp tưới bằng vòi.
Tối thiểu lượng phân bón sử dụng: Nếu như cách tưới thủ công dễ làm cuốn trôi phân bón trong đất thì việc tưới bằng hệ thống nhỏ giọt sẽ hạn chế sự xài món đất cũng như tiết kiệm lượng phân bón cần dùng cho cây.
Tiết kiệm thời gian chăm sóc cây: Cách tưới nhỏ giọt sẽ giúp bạn tưới nước cho cây theo đúng thời gian phù hợp mà không phải tốn công theo dõi hoặc trực tiếp tưới cây như bình thường.
Tiết kiệm chi phí: Những chi phí điện nước cũng sẽ được tối thiểu hóa. Bạn gần như không tốn thêm tiền để mua dụng cụ mới.
Hy vọng sau khi tham khảo bài viết này, bạn đã có cách làm bình tưới cây bằng chai nhựa vừa hiệu quả vừa tận dụng được chai rỗng vứt đi. Từ đây, việc chăm sóc vườn cây của bạn cũng nhẹ nhàng và dễ dàng hơn bao giờ hết. Hãy bắt tay vào thực hiện và áp dụng cho cây trồng của bạn nhé.