Mua vàng đã khó, bán còn khó hơn

Không những mua vàng miếng SJC khó mà cả việc bán ra cũng không mấy dễ, nhất là với những miếng vàng không có hóa đơn chứng từ trước đó.

Báo Thanh Niên ngày 7/10 đưa thông tin với tiêu đề: Mua vàng đã khó, bán còn khó hơn. Với nội dung như sau:

Bị từ chối mua vào

Phản ánh đến Báo Thanh Niên, bà B.S (TP.Đà Nẵng) kể: “Giá vàng hiện biến động liên tục. Cả tuần nay tôi đi bán vàng nhẫn trước mua ở Công ty SJC miền Trung nhưng cửa hàng tạm ngưng hoạt động. Mang 5 chỉ vàng nhẫn PNJ qua công ty PNJ thì bán được nhưng họ không mua vào vàng nhẫn của SJC. Qua cửa hàng Doji cũng gặp cảnh tương tự, họ không mua vàng nhẫn của SJC. Mang 11 chỉ vàng nhẫn SJC ra tiệm vàng bên ngoài bán thì họ cho biết chỉ thu lại 1 – 2 chỉ với giá thấp hơn trong Công ty SJC, chứ không thu hết số lượng trên. Nghe vậy nản quá tôi về luôn. Người dân kẹt tiền cần bán vàng nhưng cửa hàng tạm ngưng giao dịch, không có nơi nào chịu mua lại. Mua vàng đã khó, bán ra còn khó hơn. Với tình hình này, tôi còn mấy miếng vàng SJC không biết có bán được hay không”.

Việc mua bán vàng đang gặp khó khăn
ẢNH: NGỌC THẮNG
Chiều 6.10, chúng tôi liên lạc với nhân viên cửa hàng Doji Lê Duẩn (TP.Đà Nẵng) thì được trả lời chỉ thu lại vàng miếng SJC mà chính công ty đã bán ra trước đó. Vàng miếng SJC, kể cả vàng miếng SJC có hóa đơn do người dân mua của đơn vị khác như PNJ, thì công ty cũng không mua. Không chỉ Doji mà cửa hàng PNJ cũng tương tự. Nhân viên cửa hàng PNJ cho biết chỉ thu lại vàng miếng SJC do trước đó công ty đã bán ra, còn vàng không phải công ty bán ra thì không thu. Trong trường hợp miếng vàng không còn hóa đơn, khách hàng mang đến cửa hàng để nhân viên kiểm tra có phải hàng của công ty bán ra hay không. Nếu đúng của công ty bán ra trước đó thì sẽ thu lại. “Tuy nhiên, còn một cách khác để giải quyết cho khách hàng cần bán vàng miếng SJC nhưng đã mất hóa đơn là sử dụng dịch vụ “Người bạn vàng”. Giá thu lại của dịch vụ này sẽ thấp hơn mức giá vàng miếng SJC mà công ty niêm yết”, người này nói.

Khảo sát tại TP.HCM, các tiệm vàng cũng từ chối mua lại vàng miếng SJC. Ông T.C (chủ tiệm vàng tại TP.HCM) giải thích: Các tiệm vàng không có giấy phép mua bán của Ngân hàng Nhà nước nên không dám mua lại vàng miếng SJC từ người dân. Bởi theo quy định của nhà nước từ hơn 10 năm nay, các đơn vị được cấp phép mới được mua bán vàng miếng SJC. Những năm trước, việc mua bán lén lút vẫn diễn ra. “Từ đầu năm đến nay, cơ quan chức năng quản lý chặt về vấn đề này nên các tiệm vàng “rén”, không dám mua vào nên cũng chẳng có mà bán ra. Do đó, những khách hàng mua vàng miếng tại các tiệm vàng cách đây nhiều năm, nay mang ra bán thì bị từ chối là điều dễ hiểu”, ông T.C nói thẳng và nhận xét không khéo tình trạng mua bán vàng miếng SJC sẽ giống như vàng nữ trang, mua đâu bán đó.

Hiện nay, không chỉ vàng miếng SJC, cả vàng nữ trang, nhẫn được khách đem đến bán mà không có hóa đơn, chứng từ thì cửa hàng cũng từ chối thu lại. Vì thế, nhiều khi người bán vàng phải chạy từ quận này qua quận khác, tìm đúng tiệm vàng đã mua trước đó để bán nếu làm mất hóa đơn. Chẳng may tiệm đó đóng cửa thì người có vàng gặp cảnh dở khóc dở cười. Trường hợp này hiện khá phổ biến vì từ đầu năm đến nay nhiều tiệm vàng đóng cửa. Trong trường hợp khách hàng bán vàng nữ trang mua từ các tỉnh, thành khác, có hóa đơn chứng từ đầy đủ thì khả năng một số tiệm tại TP.HCM đồng ý mua lại với giá thu rất thấp. Ông T.C nhận xét: “Tâm lý người mua vàng hiện nay không thoải mái khi phải cung cấp thông tin cá nhân để tiệm ghi thông tin trên hóa đơn. Họ lo ngại bị hỏi thăm sau này nên có trường hợp không mua, điều này cũng khiến mãi lực thị trường vàng cũng không được tốt”.

Thị trường vàng chưa bình ổn

Thị trường vàng rơi vào cảnh khó mua, khó bán bắt nguồn từ đầu tháng 6, vàng miếng SJC được Ngân hàng Nhà nước thực hiện bán ra cho 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) và Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC. Giá vàng miếng SJC được Ngân hàng Nhà nước công bố và các đơn vị này không được bán cao hơn 1 triệu đồng/lượng so với giá công bố. Trong 5 đơn vị trên, chỉ có duy nhất Công ty SJC thực hiện mua lại vàng miếng SJC từ cá nhân, tổ chức, còn 4 ngân hàng thương mại không mua vào.

Nhận xét về tình trạng trên, PGS-TS Định Trọng Thịnh cho rằng việc các đơn vị hạn chế mua lại vàng miếng SJC là tự họ đặt ra điều kiện chứ quy định hiện nay không đề cập. Vàng miếng SJC là thương hiệu quốc gia nên việc mua bán là bình thường. Việc các đơn vị yêu cầu mua vào vàng miếng SJC phải có hóa đơn, chứng từ là tự làm khó. Có những trường hợp người tiêu dùng mua vàng 5 năm, 10 năm hay 20 năm trước thì lấy đâu ra hóa đơn? Các đơn vị có thể mua và ghi lại số CCCD, số sê ri vàng… của người bán để thực hiện ghi bảng kê theo hướng dẫn của quy định.

Theo TS Nguyễn Ngọc Tú, giảng viên Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, biện pháp bán vàng can thiệp thị trường của Ngân hàng Nhà nước là giải pháp tình thế. Sau 4 tháng triển khai, giá vàng trong nước rút ngắn mức chênh lệch, cao hơn quốc tế còn khoảng 4 triệu đồng/lượng thay vì 20 triệu đồng/lượng trước đó. Bốn ngân hàng được phép bán vàng nhưng không mua vào cho thấy các đơn vị này cũng không mặn mà gì với vàng. “Ngay cả các ngân hàng không mua vào, các công ty lớn cũng không mua vàng của đơn vị khác, vậy người mua vàng của 4 ngân hàng thời gian vừa qua sẽ bán vàng ra ở đâu nếu cần?”, ông Tú đặt câu hỏi.

Ông Nguyễn Ngọc Tú lo ngại: Khi cung – cầu vàng miếng SJC trên thị trường khó khăn thì sẽ thúc đẩy thị trường vàng không chính thức hoạt động mạnh hơn, dẫn đến tình trạng 2 giá giữa vàng trong và ngoài hệ thống kinh doanh vàng miếng. Không những vậy, các đơn vị này chỉ bán vàng ở những thành phố lớn trong khi thị trường vàng tồn tại hàng chục năm qua nên lượng vàng trong dân khá nhiều. “Vậy người muốn mua hay bán vàng miếng SJC sẽ phải xử lý như thế nào? Chính vì thị trường vàng đang không rõ ràng, minh bạch dẫn đến rủi ro. Người tiêu dùng có nhu cầu bán thì sẽ khó khăn, có thể sẽ vi phạm pháp luật khi mang vàng ra bên ngoài bán. Khi sự can thiệp dẫn đến tồn tại thị trường thứ hai thì thật sự thị trường vàng chưa bình ổn. Đó là chưa kể tình trạng mua bán vàng như hiện nay kéo dài, thị trường tự do phát triển nhanh hơn thì khó có thể kiểm soát được. Vàng không vận hành theo thị trường và quyền lợi người tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng”, ông Tú lưu ý.

Vì vậy theo ông Tú, cần có giải pháp liên thông thị trường vàng hiện nay. “Các ngân hàng bán vàng thì cũng nên mua lại vàng đã bán ra, kể cả mua lại vàng của các đơn vị khác bán ra. Đồng thời, việc kiểm soát độc quyền vàng miếng SJC đã quá lâu và cần sớm gỡ bỏ. Để làm được điều này cần sửa đổi sớm Nghị định 24 về quản lý thị trường vàng. Trước mắt cho phép một số đơn vị được nhập khẩu vàng cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tiến xa hơn là đảm bảo thị trường trong và ngoài nước liên thông, đảm bảo sự minh bạch, quyền lợi của người tiêu dùng”, ông Nguyễn Ngọc Tú nói.

Việc 4 ngân hàng bán ra mà không mua vào là vô lý. Đó là chưa kể vàng miếng SJC là thương hiệu quốc gia, nay mua và bán đều khó nên làm giảm lòng tin của người tiêu dùng. Việc mua đâu bán đó trên thị trường vàng hiện nay gây ra tình trạng méo mó của thị trường, không tạo ra uy tín của sản phẩm này. Chưa kể việc người dân không mua bán được vàng trên thị trường chính thức sẽ chuyển qua giao dịch ở các hội, nhóm. Có những thời điểm giá vàng miếng SJC chợ đen cao hơn của các đơn vị chính thức lên đến 5 triệu đồng mỗi lượng. Cần có giải pháp nếu không thị trường tự do hoạt động sôi động, khó kiểm soát.

Tiếp đến, báo Lao Động cũng có bài đăng tương tự với thông tin: Vẫn khó mua vàng

Nội dung được báo đưa như sau:
Vẫn khó mua vàng

Gần đây, người dân phải xếp hàng chờ mua vàng nhẫn tròn trơn tại các cửa hàng kinh doanh vàng bạc đá quý. Ảnh: Phương Anh

Chen chân mua vàng để tích trữ

Ghi nhận của PV Lao Động những ngày này, các cửa hàng vàng trên nhiều tuyến phố của Hà Nội như Trần Nhân Tông hay Cầu Giấy… thường xuyên xuất hiện cảnh người dân xếp hàng dài chờ mua vàng. Mặt hàng được ưa chuộng thời điểm này thường là vàng nhẫn tròn trơn 9999. Đáng nói việc mua vàng nhẫn thời điểm này không hề dễ dàng.

Được biết, tình trạng xếp hàng chờ đợi mua vàng diễn ra liên tục vì các cửa hàng hầu hết chỉ bán số lượng rất ít trong ngày và không thông báo cụ thể thời gian.

Sau ba ngày tìm kiếm khắp các tiệm vàng ở Hà Nội, anh Nguyễn Hoàng Hiệp (31 tuổi – Nam Từ Liêm – Hà Nà Nội) mới mua được 5 chỉ vàng nhẫn.

“Thấy bạn bè, họ hàng mua vàng nhiều nên tôi và vợ quyết định mua vào một chút. Thường thì mua làm của để dành sẽ mua vàng miếng SJC, nhưng hiện tại không thể mua được loại vàng này vì cửa hàng dừng bán. Bởi vậy tôi đi mua vàng nhẫn tròn trơn. Thế nhưng suốt hai ngày tôi không mua được do không căn được giờ các cửa hàng mở bán. Tiệm vàng họ không có giờ cố định, vì vậy may thì gặp mua được, không thì cũng khó mua” – anh Hiệp nói.

Chờ nhiều giờ mới mua được vài chỉ nhẫn trơn, anh Nguyễn Thế Tùng (Mỹ Đình, Hà Nội) – khách hàng mua vàng tại một cửa hàng ở Cầu Giấy (Hà Nội) – chia sẻ: “Bản thân tôi cũng chạy theo đám đông để mua vàng tích trữ về sau. Hôm nay mới mua được 5 chỉ vàng nhẫn trơn mà vẫn chưa dám tin mình đã mua được. Đến cửa hàng chờ đợi để lấy phiếu nhưng cũng chỉ có mấy chục phiếu. Chậm một bước là phải đợi đến nhiều tiếng sau, có khi sang hôm sau cửa hàng mới mở bán lại vàng nhẫn”.

Tích trữ vàng không có lợi cho nền kinh tế

Nói về nguyên nhân nhu cầu cao nhưng các cửa hàng kinh doanh vàng bán vàng miếng SJC, vàng nhẫn tròn trơn với lượng nhỏ giọt, TS Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia kinh tế – cho rằng, có thể đến từ hai yếu tố, gồm nguồn cung khan hiếm và hiện tượng “găm vàng”.

“Hiện nguồn cung trở nên khan hiếm hơn vì nhu cầu mua vàng rất nhiều, trong khi đó nguồn cung tương đối hạn chế. Vàng nhẫn chỉ có thể sản xuất ra nếu có vàng nguyên liệu. Và đầu vào vàng nguyên liệu được kiểm soát rất chặt chẽ. Nhiều năm nay chỉ có Ngân hàng Nhà nước có thể nhập khẩu vàng, không có đơn vị nào khác.

Bên cạnh đó, cũng có khả năng là các đơn vị kinh doanh vàng găm hàng để chờ giá lên trở lại và bán kiếm lợi.

Hiện nay thị trường vàng trong nước có hai phân khúc, gồm thị trường vàng miếng SJC và vàng nhẫn tròn trơn 9999. Thị trường vàng miếng đang được kiểm soát nên giá không có nhiều biến động. Còn vàng nhẫn giá vẫn tăng, tuy nhiên không phải lúc nào cũng tăng theo thế giới” – ông Hiếu trao đổi với PV Lao Động.

Cũng theo TS Nguyễn Trí Hiếu, việc đầu tư vào vàng không có lợi cho nền kinh tế: “Thay vì tiền được sử dụng vào sản xuất kinh doanh, lại được dùng để mua vàng và cất trong nhà, không được lưu thông, trở thành một điều lãng phí”.

Ông Hiếu khẳng định, việc giải quyết được bài toán người dân có xu hướng tích trữ vàng “là một vấn đề lớn. Nhưng, vấn đề đó không thể dùng cách siết thị trường vàng. Việc siết lại như thế càng gây ra áp lực về mặt tâm lý. Người dân càng cảm thấy cần phải có vàng, càng cảm thấy hoang mang, càng cảm thấy phải chờ đợi để mua.

Như vậy, “cơn sốt” vàng chỉ có thể được giải quyết nếu thị trường vàng thông thoáng hơn. Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng phải thay đổi. Thương hiệu quốc gia của SJC cần phải loại bỏ để cho tất cả các thương hiệu vàng có sự cạnh tranh đồng đều với nhau.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước nên rút lại vai trò nhà nhập khẩu vàng duy nhất. Sau đó có những biện pháp như phát hành chứng chỉ vàng, chứng khoán hóa vàng, có những kênh đầu tư hấp dẫn hơn… Đồng thời, vẫn tôn trọng quyền sở hữu vàng nhưng để cho người dân hiểu tích trữ vàng không có lợi cho nền kinh tế.