Lũ lớn sau bão số 6 ở Quảng Bình: “Nước lũ lên quá nhanh, không kịp trở tay…”

Sau khi bão số 6 (Trami) đi qua, Quảng Bình có mưa lớn kéo dài, nước sông dâng cao khiến nhiều khu vực ngập lụt nghiêm trọng.

CLIP: Người dân ở Lệ Thủy chạy lũ

Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, tính đến 9 giờ sáng hôm nay (28-10), do ảnh hưởng của bão số 6 (bão Trami) gây mưa lớn khiến địa phương này xảy ra tình trạng ngập lụt nhiều khu vực.

Bước đầu, toàn tỉnh đã có hơn 15.000 nhà dân bị ngập lụt với mực nước từ 50cm đến 1m, có nơi ngập trên 1m. Trong đó, huyện Lệ Thủy chịu thiệt hại nặng nhất với 10.000 nhà bị ngập. Huyện Quảng Ninh có gần 5.000 ngôi nhà và thành phố Đồng Hới gần 400 ngôi nhà bị nước lũ tràn vào, làm đảo lộn cuộc sống người dân.

Ông Ngô Mậu Tình – người dân ở xã An Thủy, huyện Lệ Thủ – chia sẻ: “Nước lũ lên nhanh quá không kịp trở tay, nhà tôi ngập gần 1m chỉ trong vài giờ đồng hồ. Chúng tôi phải nhanh chóng sơ tán đồ đạc, đưa gia đình lên gác tránh lũ. Hiện nay, điện bị cắt, nước sạch cũng thiếu thốn, mọi sinh hoạt rất khó khăn.”

Nhiều hộ gia đình khác ở huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh cũng rơi vào tình cảnh tương tự, khi tài sản và hoa màu bị thiệt hại nặng nề do lũ lụt. Nhiều khu vực thấp trũng bị cô lập hoàn toàn, giao thông tê liệt, gây khó khăn cho việc di chuyển và tiếp tế.

Ông Nguyễn Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Tân Ninh, huyện Quảng Ninh, cho biết nước lên từ tối hôm qua, cán bộ và bà con thức suốt đêm “canh” lũ. Đồng thời triển khai các phương án ứng phó khẩn cấp như sơ tán người già, người tàn tật lên nơi cao để tránh trú an toàn.

Ông Phan Hồng Đăng, Phó Bí thư thường trực huyện ủy Lệ Thủy, cho biết: “Trước tình hình mưa lớn kéo dài gây ngập lụt diện rộng, chúng tôi đã chỉ đạo các lực lượng chức năng túc trực 24/24, đồng thời tiến hành sơ tán dân tại các khu vực có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất. Hiện, các lực lượng cứu hộ đang nỗ lực hỗ trợ người dân tại các vùng bị cô lập.”

Tìm thấy thi thể nam thanh niên bị lũ cuốn khi làm nhiệm vụ cứu hộ

Sáng 28-10, ông Lê Thuận Văn, Chủ tịch UBND xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình) cho biết sau nhiều giờ tìm kiếm, thi thể của anh Lê Ngọc Hơn (SN 2002) đã được lực lượng chức năng tìm thấy.

Thi thể nạn nhân được tìm thấy lúc 7 giờ 25 phút sáng 28-10, cách vị trí bị nạn hơn 300m. Các lực lượng chức năng đang làm thủ tục, bàn giao cho gia đình để lo hậu sự.

Được biết, anh Hơn vừa mới hoàn thành nghĩa vụ quân sự, xuất ngũ trở về địa phương.

Như Báo Người Lao Động thông tin, ngày 27-10, anh Lê Ngọc Hơn, thôn Thanh Sơn, xã Thái Thủy khi làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại khu vực hạ lưu đập Thanh Sơn không may bị lũ cuốn trôi, mất tích.

Một số hình ảnh ngập lụt tại huyện Lệ Thủy mà bạn đọc Báo Người Lao Động gửi từ hiện trường:

Theo người dân ở Lệ Thủy (Quảng Bình) thì đợt lũ lần này nước dâng cao khủng khiếp, không khác gì trận “đại hồng thủy” hồi tháng 10-2020.

Người dân ở các địa phương huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình đang phải hứng chịu trận lũ lịch sử, nước dâng cao hơn nhiều so với mức báo động.

Đây là trận lũ lớn thứ 2 chỉ trong vòng 4 năm qua mà địa phương này phải hứng chịu. Tháng 10-2020, trận “đại hồng thủy” đã nhấn chìm mảnh đất này. Hàng nghìn hộ dân đã bị cô lập, nhiều tài sản, hoa màu bị cuốn trôi và người dân nơi đây đang đối mặt với vô vàn khó khăn.

Từ tối qua, nước từ sông Kiến Giang bất ngờ dâng cao. Đến sáng nay, nhiều địa phương ven sông đã bị ngập nặng. Các xã vùng giữa của huyện Lệ Thủy như: An Thủy, Kiến Giang, Liên Thủy, Lộc Thủy, Phong Thủy… đã ngập lụt trên diện rộng, hàng ngàn hộ dân bị nước tràn vào nhà gây ngập sâu trên 1m.

Hình ảnh từ trên cao cho thấy nước lũ nhấn chìm vùng đất Lệ Thủy, xung quanh chỉ thấy toàn mênh mông nước, chỉ trơ trọi mái nhà và cây xanh.

Bà Nguyễn Thị Hoa (55 tuổi, một người dân ở thị trấn Kiến Giang) chia sẻ với giọng đầy lo lắng: “Bản thân bà từng chứng kiến nhiều trận lũ nhưng trận lũ này rất khủng khiếp, không khác gì trận lũ xảy ra cách đây 4 năm. Nước dâng nhanh chỉ trong vài giờ. Chúng tôi chỉ kịp di dời một ít tài sản và gia súc lên cao, một số đồ đạc trong nhà bị nước lũ cuốn đi. Người dân phải dùng thuyền nhỏ để đi lại”.

Trong khi đó, ông Lê Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, cho biết quan điểm chỉ đạo của địa phương là phải chủ động thực hiện hiệu quả phương châm “4 tại chỗ”; tập trung nhân lực, phương tiện để cứu người, di dời dân ở các vùng ngập sâu, xung yếu trên địa bàn…

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Quảng Bình, tính đến 11 giờ hôm nay (28-10), do ảnh hưởng của bão số 6 (bão Trami) gây mưa lớn khiến địa phương này xảy ra tình trạng ngập lụt nhiều khu vực.

Toàn tỉnh đã có hơn 17.628 nhà dân bị ngập lụt với mực nước từ 50cm đến 1m, có nơi ngập trên 1m. Trong đó, huyện Lệ Thủy chịu thiệt hại nặng nhất với 12.361 nhà bị ngập. Huyện Quảng Ninh có gần 5.000 ngôi nhà và thành phố Đồng Hới gần 400 ngôi nhà bị nước lũ tràn vào, làm đảo lộn cuộc sống người dân.

Bước đầu ghi nhận thiệt hại do mưa lũ gây ra: 1 người dân ở huyện Lệ Thủy chết; 44 thôn, bản bị cô lập, chia cắt; nhiều điểm bị sạt lở; 3 tàu cá của ngư dân bị chìm (Bố Trạch 1 tàu và TP Đồng Hới 2 tàu); hàng trăm ha hoa màu bị ngập úng hư hại…