Giá vàng còn tăng đến bao giờ?
Giá vàng nhẫn liên tục phá các mức đỉnh, giá vàng miếng SJC quay trở lại mức cao kỷ lục, còn kim loại quý trên thị trường thế giới không ngừng tăng lên. Chưa bao giờ thị trường vàng ghi nhận mức tăng giá lịch sử như thế, và đà tăng giá này liệu có tiếp tục duy trì trong thời gian tới là mối quan tâm hàng đầu trên thị trường hiện nay.
Báo Thanh Niên ngày 01/11 đưa thông tin với tiêu đề: “Giá vàng còn tăng đến bao giờ?” cùng nội dung như sau:
Giá vàng tăng kỷ lục
Ngày 31.10, giá vàng nhẫn tiếp tục tăng thêm 50.000 – 200.000 đồng mỗi lượng, chính thức lập mốc lịch sử mới. Công ty vàng bạc đá quý Phú Quý mua vào lên 88,6 triệu đồng, bán ra 89,8 triệu đồng/lượng. Tập đoàn Doji mua vào 88,65 triệu đồng, bán ra 89,65 triệu đồng/lượng. Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC mua vào lên 87,6 triệu đồng, bán ra 89,3 triệu đồng/lượng… Giá vàng nhẫn bám sát vàng miếng SJC, chỉ còn thấp hơn từ 200.000 – 700.000 đồng mỗi lượng. Các đơn vị kinh doanh vàng miếng SJC đưa giá mua vào 88 triệu đồng, bán ra 90 triệu đồng/lượng. Trên thị trường tự do, giá vàng miếng SJC giao dịch quanh mức giá từ 91,3 – 91,5 triệu đồng mỗi lượng.
Giá vàng trong nước tăng mạnh được cho là xuất phát từ đà tăng của kim loại quý trên thị trường thế giới, đã lên gần mức 2.800 USD/ounce. Giá vàng thế giới ngày 31.10 có lúc tăng lên 2.790 USD và giảm nhẹ về mức 2.780 USD/ounce vào buổi chiều. So với những ngày đầu tháng 10, giá vàng thế giới đã tăng 180 USD/ounce (tương đương 6,9%), nhưng nếu so với đầu năm, vàng đã tăng 720 USD, tức đi lên 34,7%. Đây là mức tăng chưa từng có trên thị trường vàng.
Với vàng trong nước, so với mức giá đầu năm, vàng nhẫn hiện nay tăng 26,5 triệu đồng/lượng, tương đương tăng 42%; còn vàng miếng SJC tăng 19 triệu đồng/lượng, tương ứng 26,7%. Với mức tăng này, những người đang nắm giữ vàng có lời lớn. Hội đồng vàng thế giới vừa công bố báo cáo xu hướng nhu cầu vàng quý 3/2024, chỉ ra rằng giá vàng đạt mức cao nhất trong lịch sử, thúc đẩy nhu cầu đầu tư vàng nhưng làm giảm nhu cầu vàng trang sức tại nhiều thị trường ASEAN, bao gồm VN. Trong khi các nước ASEAN như Thái Lan, Indonesia và Malaysia ghi nhận mức tăng trưởng hai chữ số về nhu cầu vàng theo từng năm, VN là trường hợp ngoại lệ với mức sụt giảm mạnh. Cụ thể, nhu cầu vàng miếng và vàng xu tại VN giảm 33% so với cùng kỳ năm trước và giảm 10% so với mức trung bình cả năm 2023. Nhu cầu vàng trang sức tại VN trong quý 3 giảm 15% so với quý trước và giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chủ yếu đến từ giá vàng trong nước tăng cao, khiến người tiêu dùng e ngại mua mới.
Cẩn trọng đu đỉnh
Nhu cầu vàng của VN giảm, theo các chuyên gia, phần lớn đến từ cung không đáp ứng nhu cầu. Còn sự quan tâm đến vàng vẫn rất lớn. Vì vậy, sau khi lập đỉnh 2.790 USD/ounce, nhiều người đang tự hỏi giá vàng thế giới sẽ đi về đâu.
Chuyên gia vàng Dương Anh Vũ cho rằng giá vàng thế giới giảm nhẹ trước mốc đỉnh khiến giới đầu tư phân vân, không rõ xu hướng tăng của kim loại quý này đã dừng lại hay chưa. Nên để có thể dự báo giá vàng trong thời gian tới, cần quan sát thêm một số sự kiện quan trọng trong tuần có thể tác động đến đường đi của kim loại quý. Trước tiên là bảng lương phi nông nghiệp tháng 10 của Mỹ, thông tin được công bố trong thứ sáu (1.11). Thông thường, bảng lương phi nông nghiệp là dữ liệu đáng chú ý.
Diễn biến tuần này càng được quan tâm hơn vì số liệu tháng 10 là thông số cuối cùng phản ánh thị trường lao động Mỹ trước khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào thứ ba (5.11) để chọn ra người lãnh đạo Nhà Trắng. Với hai sự kiện quan trọng liên tiếp, có thể dự báo giá vàng dao động theo biên độ rộng. Bảng lương phi nông nghiệp dự báo có 108.000 việc làm mới trong tháng 10, một con số khá khiêm tốn. Nếu thông tin công bố xấp xỉ dự báo, chứng tỏ kinh tế Mỹ đã hạ nhiệt, khả năng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) hạ lãi suất sẽ rõ ràng hơn. Trong trường hợp này, giá vàng có điều kiện để bật tăng với mục tiêu 2.850 USD/ounce.
“Kết quả ai là tổng thống Mỹ chưa xác định sẽ tác động thế nào đến giá vàng. Tuy nhiên, cần lưu ý khi có kết quả bầu cử, giá vàng có khả năng dao động mạnh với ngưỡng kháng cự 2.865 USD/ounce. Nếu giá vàng không vượt mức giá này, nhiều khả năng sẽ giảm sâu sau đó. Đối với thị trường vàng trong nước, sau khi chạm mức 90 triệu đồng/lượng, tâm lý chờ đợi sẽ là trạng thái chủ yếu. Chỉ khi giá vàng thế giới vượt mức 2.865 USD/ounce, giá vàng trong nước mới có thể bứt xa mức 90 triệu đồng/lượng. Trường hợp giá vàng thế giới vượt mức 2.865 USD/ounce, mức giá kế tiếp sẽ là 2.920 USD/ounce. Khi đó, giá vàng trong nước sẽ chạm mức 94 triệu đồng/lượng”, chuyên gia Dương Anh Vũ dự báo.
Ông Huỳnh Trung Khánh, Phó chủ tịch Hiệp hội Kinh doanh vàng VN, thừa nhận giá vàng thế giới chưa bao giờ tăng đều lên 35% như năm nay. Hiện giá vàng thế giới tiến gần mức 2.800 USD/ounce nhưng đây chưa phải mức cản lớn, mức tâm lý là 3.000 USD/ounce.
“Trước đây nhiều năm, khi nói đến giá vàng lên 100 triệu đồng/lượng, không ai tưởng tượng được, nhưng nay mức này có thể đạt được khi giá vàng thế giới tăng cao. Giá kim loại quý hiện nay đang có nhiều yếu tố hỗ trợ. Trước mắt là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, khi càng đến gần ngày bầu cử nhưng thông tin tương phản giữa hai ứng cử viên càng nhiều hơn. Tuy nhiên ai lên làm tổng thống thì cũng phải có chính sách giải quyết bài toán về nợ công của nước này đang ở mức rất cao. Yếu tố thứ hai hỗ trợ giá vàng xuyên suốt những tháng qua là sự bất ổn chính trị từ các nước.
Thêm vào đó, nhu cầu mua vàng trên thị trường hiện vẫn ở mức cao. Ngoại trừ Trung Quốc không mua vàng 6 tháng qua, ngân hàng trung ương các nước liên tục mua vàng từ đầu năm đến nay, khối lượng tăng thêm 697 tấn vàng trong 3 quý năm 2024, bằng cả năm 2022. Dự đoán trong năm nay, số vàng các ngân hàng trung ương mua vào lên khoảng 1.000 tấn. Tuy nhiên, giá vàng lên cao thì cũng sẽ có bước điều chỉnh giảm nên những người mua vàng cần thận trọng ở mức giá cao kỷ lục này, tránh bị đu đỉnh”, ông Huỳnh Trung Khánh lưu ý.
Tương tự, chuyên gia vàng Phan Dũng Khánh cũng cho rằng mức giá vàng thế giới 3.000 USD/ounce có thể đạt được trong thời gian tới. Trong bối cảnh bất ổn, nhu cầu các kênh trú ẩn an toàn lên ngôi. Yếu tố tiếp theo tác động đến giá vàng là xu hướng giảm lãi suất từ ngân hàng trung ương các nước và đặc biệt mới đây là từ Fed. Đà tăng giá của vàng hiện nay có thể sẽ được điều chỉnh sau khi kết thúc cuộc bầu cử tổng thống Mỹ bởi các thông tin đã phản ánh vào giá vàng thời gian qua. Đó là điều cần lưu ý nếu chọn vàng để mua lúc này.
Trong chu kỳ giá vàng khoảng 10 năm thì có 1 – 2 năm giá tăng mạnh, 1 – 2 năm giá sụt giảm còn lại là đi ngang, tích lũy. Ở thời điểm hiện tại, đà tăng giá vàng đã đi được khoảng hơn một nửa chặng đường. Còn tính từ cuối năm ngoái, giá vàng hiện tăng tới 50%, mức tăng này hiếm khi xảy ra trong lịch sử. Do đó, rủi ro ở đây là thời điểm vàng tạo đỉnh cũng đến gần hơn, sớm thì cuối năm nay hoặc chậm thì nửa đầu năm sau. Các nhà đầu tư vàng tổ chức xem vàng là kênh phòng thủ và tham gia từ sớm, còn các nhà đầu tư vàng cá nhân thường tham gia thị trường vàng sau. Do đó khi giá vàng tạo đỉnh, các nhà đầu tư cá nhân cần xem xét thận trọng khi tham gia thị trường.
Tiếp đến, báo Dân trí ngày 01/11 cũng có bài đăng với thông tin: “Giá vàng liên tục “phá đỉnh”, vợ chồng trẻ tích cả hũ để… nghỉ hưu”. Nội dung được báo đưa như sau:
Chuẩn bị xong đồ đạc cho lễ cưới, chị Đ.H.T. (sống ở Hòa Bình) ra tiệm kim hoàn mua 2 chỉ vàng bổ sung vào số tài sản tích lũy. Đây là thói quen đã được cô gái này duy trì suốt 6 năm qua.
Lúc chị T. đến cửa hàng, giá vàng nhẫn trơn cán mốc 8,9 triệu đồng/chỉ. Trao xấp tiền toàn tờ 500.000 đồng cho nhân viên tiệm vàng, cô gái ký vào tờ giấy mua bán rồi nhận lại 2 chỉ còn nguyên vỏ nhựa.
Sau khi cất vàng vào túi xách, chị T. trở về nhà. Tối hôm đó, khối tài sản tích lũy 6 năm qua có thêm một chiếc nhẫn.
“Đó là số vàng mà tôi tích lũy để làm quỹ nghỉ hưu”, chị T. chia sẻ với Dân trí.
Mua vàng để có tài sản nghỉ hưu
Chị T., sinh năm 1997 trong một gia đình kinh doanh nhỏ. Nhìn thấy bố mẹ tích lũy vàng từ những đồng tiền nhỏ nhất, chị T. đã học được cách tiết kiệm từ rất sớm.
Lúc còn bé, mỗi dịp Tết, chị T. trích ra một phần tiền lì xì để dành dụm, mua đồ chơi và dụng cụ học tập. Năm 2015, khi vừa bước chân vào trường cao đẳng, cô gái quê Hòa Bình cố gắng dè sẻn hết mức, dành dụm mỗi tháng 500.000 đồng từ tiền bố mẹ chu cấp.
“Khi tôi mới lên Hà Nội học, bố mẹ khuyên phải có một khoản phòng thân. Tôi tính sẽ tích lũy vàng giống bố mẹ, mãi đến khi ra trường mới thực hiện được”, chị T. cho hay.
Biến cố ập xuống với gia đình hồi năm 2016, chị gái của T. không may mắc phải căn bệnh ung thư quái ác. Nếu không có vàng của bố mẹ bán đi, khó có thể đủ kinh phí để chữa trị, bồi bổ, thuốc thang. Mỗi lần đến viện, nhìn nhiều người rơi vào cảnh khó khăn do bệnh tật, chị T. thấu hiểu hơn ai hết giá trị của tài sản tiết kiệm.
Năm 2018, sau khi tốt nghiệp cao đẳng, chị T. trở thành nhân viên của một cửa hàng bán đồ công nghệ. Tổng thu nhập hàng tháng khoảng 8 triệu đồng, trong đó có 6 triệu đồng là lương cứng.
Chị T. chia nhỏ các phần chi tiêu để tiện quản lý. Trong đó, 1,2 triệu đồng dành cho cho tiền thuê nhà và điện nước tại khu vực Mỹ Đình (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Khoản chi cho ăn uống là 3 triệu đồng, 2 triệu đồng là chi phí xăng xe và gặp gỡ bạn bè hoặc mua sắm, 1 triệu đồng để dự phòng ốm đau. Số tiền ít ỏi còn lại được T. dành dụm mua vàng.
Đầu năm 2018, giá vàng nhẫn ở mức 4 triệu đồng/chỉ. Sau 4 tháng miệt mài tiết kiệm từ khi bắt đầu đi làm, chị T. đủ tiền để mua chiếc nhẫn 5 phân với giá 2 triệu đồng.
Đó là bước khởi đầu, tiếp thêm động lực cho cô gái này giữ thói quen tích lũy vàng.
Những năm tiếp theo, mỗi khi có tiền để dành, chị T. lại mua 3 phân, 5 phân, 1 chỉ. Sau một năm, cô gái này gom toàn bộ số vàng đổi thành một chiếc nhẫn 4-5 chỉ.
Nhờ năng lực làm việc tốt, T. được tăng lương và khoản hoa hồng bán hàng ngày càng cao hơn. Sau 2 năm, thu nhập hàng tháng của cô gái này lên 12 triệu đồng/tháng. Khoản tiền dư dả tăng lên, chị T. có cơ hội mua vàng nhiều hơn.
“Tôi không đặt chỉ tiêu phải mua hàng tháng, có thể 2-3 tháng mới mua vài chỉ, tùy theo khoản tiền nhàn rỗi mà mình có.
Nhiều người có suy nghĩ phải tích lũy được hàng trăm triệu đồng mới mua vàng, đó là sai lầm. Trên thị trường, có nhiều mặt hàng vàng 1 phân, 2 phân, 5 phân… Vì sao phải đợi đủ 1 chỉ mà không mua 2 nhẫn 5 phân rồi đổi thành 1 chỉ. Nếu bản thân mang tâm lý chờ đợi, không biết đến bao giờ mới có tài sản tích lũy”, chị T. khuyên.
Khoảng 3 năm trở lại đây, tổng thu nhập hàng tháng của chị T. trên 20 triệu đồng/tháng nên tần suất mua vàng thường xuyên hơn – 2 tháng một lần.
Với mức thu nhập hơn 20 triệu đồng, chị T. chi 2 triệu đồng cho tiền thuê trọ, 4 triệu tiền ăn, 2,5 triệu đồng cho các khoản tụ tập và mua sắm đồ đạc, 3 triệu đồng tiêu lặt vặt, 3 triệu đồng để gửi tiết kiệm và 4 triệu đồng dành dụm mua vàng, 1 triệu đồng biếu bố mẹ.
“Có những tháng Tết, vừa được nhận lương và thưởng, tôi mua 2 chỉ vàng cất vào tài sản tích lũy. Đến nay, tôi có hơn 2 cây vàng. Số vàng này không nhiều như người khác nhưng cảm thấy đã làm được việc có ý nghĩa cho bản thân.
Quá trình tích lũy vàng sẽ lâu dài, chưa biết bao giờ dừng lại. Tôi xác định không bao giờ bán số vàng đó, để dành phòng thân hoặc dùng dưỡng già, không làm phiền con cháu”, chị T. nói.
Tình cờ mua vàng rồi có khoản tích lũy
Nhìn giá vàng nhẫn tăng lên gần 9 triệu đồng/chỉ, vợ chồng anh Sơn (Hà Nội) ước tính tiền lãi xấp xỉ cả trăm triệu đồng.
Anh Sơn cho biết, cách đây 5 năm, khi tổ chức đám cưới, hai vợ chồng dẫn nhau đi mua nhẫn. Lúc đó, công việc làm ăn thuận lợi, tiền nhàn rỗi khá nhiều. Nghe lời vợ khuyên nên có nhiều kênh để tiết kiệm, một phần giữ vàng làm vốn, người đàn ông này mua “vui vui” 1 cây trị giá 50 triệu đồng.
Sau khi cưới, anh Sơn và bà xã có thêm 3 cây vàng được bố mẹ và họ hàng tặng. Chưa tính khoản tiền tiết kiệm từ trước đó, cặp vợ chồng son có trong tay 4 cây vàng làm vốn liếng với tổng trị giá gần 200 triệu đồng.
Thời điểm Covid-19 xảy ra, kinh tế khó khăn chồng chất, việc kinh doanh của anh Sơn bị đình trệ, phải gánh trên vai số tiền vay mượn để làm ăn. Sau đại dịch, vợ chồng bàn bạc tiếp tục làm công ăn lương, chờ thời cơ sẽ khởi nghiệp lại.
Trong hoàn cảnh khó khăn đó, anh Sơn và vợ đắn đo giữa việc nên giữ hay bán vàng. Sau khi bàn bạc, cặp đôi tin tưởng mức giá còn tăng, quyết định tích lũy thêm để phòng thân hoặc cho con về sau.
Năm 2021, nghe đồng nghiệp xôn xao về giá vàng, bàn chuyện tích trữ, anh Sơn và vợ thống nhất sẽ mua một chỉ hàng tháng, tránh để tiền trong túi dẫn đến mua sắm quá đà.
Từ năm 2021 đến năm 2023, hai vợ chồng thu nhập khoảng 30 triệu đồng. Do không mất tiền thuê trọ, cặp đôi này vẫn để dư ra một khoản nhỏ hàng tháng.
Anh Sơn nhẩm tính, chi phí cho ăn uống khoảng 6 triệu đồng; dịch vụ chung cư và điện nước khoảng 1,5 triệu đồng; tiền học của con khoảng 5 triệu đồng; tiền sữa cho con 3 triệu đồng, 3 triệu đồng cho ma chay, cưới hỏi và đối nội, đối ngoại hai bên; 4 triệu đồng được tiết kiệm để mua vàng; số còn lại gửi tiết kiệm online và dự phòng phát sinh.
“Vợ chồng tôi có thu nhập khá nên mỗi tháng sẽ mua một chỉ. Đến nay, chúng tôi đã có 7 cây vàng, con số này sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Khoảng 5-7 năm nữa, nếu công việc quá vất vả, hai vợ chồng tính sẽ bán vàng và chung cư, về quê sống thoải mái. Nếu không chịu khó tích lũy hàng tháng, làm sao chúng tôi có số vàng như hiện tại”, anh Sơn nói.
Thời gian gần đây, kinh tế khó khăn, thu nhập giảm, cứ 3-4 tháng, hai vợ chồng anh Sơn mới dám mua 1-2 chỉ. Tuy nhiên, người đàn ông này khẳng định, việc tích lũy sẽ được duy trì, vì giá vàng vẫn chưa dừng đà tăng.
“Với những người có mức thu nhập 15-20 triệu đồng/tháng, phải chi một khoản thuê trọ vẫn có thể cân nhắc tích lũy tài sản hay tiết kiệm. Số tiền tiết kiệm mỗi tháng có thể chiếm 5-10%, ban đầu nhìn ít ỏi, nhưng về lâu dài sẽ là khối tài sản lớn nhờ sự kiên trì, kỷ luật”, anh Sơn đúc kết.
admin