Giá vàng có thể phá kỷ lục vào cuối năm nay

Chuyên gia nhận định giá vàng thế giới sẽ đạt 2.900 USD/ounce vào cuối năm và hướng tới kỷ lục mới vào đầu năm 2025.

Báo Lao Động ngày 05/11 đưa thông tin với tiêu đề: “Giá vàng có thể phá kỷ lục vào cuối năm nay” cùng nội dung như sau:

Theo Axel Rudolph – nhà phân tích thị trường tại IG Markets, giá vàng thế giới sẽ phá ngưỡng 2.900 USD/ounce vào cuối năm nay. Chuyên gia này nhận định giá vàng sẽ giao dịch trong khoảng từ 3.000 đến 3.113 USD/ounce vào quý I/2025.

Trong một bài phân tích mới đây, Rudolph lưu ý rằng vàng đã có đà tăng mạnh trong hai năm qua và mức giá kỷ lục tuần trước là 2.790 USD/ounce chỉ thấp hơn một chút so với mức quan trọng là 2.800 USD/ounce.

​“Ngay cả khi có sự thoái lui đáng kể, giá vàng sẽ vẫn duy trì xu hướng tăng dài hạn. Bất kỳ sự thoái lui tiềm năng nào cũng sẽ là cơ hội mua vào, với điều kiện là vàng không đánh mất mốc mức thấp nhất vào cuối tháng 4 là 2.278 USD/ounce” – Rudolph chia sẻ.

Ông nói thêm: “Có thể thấy ngưỡng hỗ trợ trên biểu đồ hàng tuần quanh mức đỉnh tháng 9 là 2.685 USD/ounce và mức thấp đầu tháng 10 là 2.605 USD/ounce”.

Rudolph cho biết ngoài mức tâm lý 2.800 – 2.900 USD/ounce dự kiến ​​sẽ đạt được vào cuối năm 2024. Ông cho rằng mức 3.000 USD/ounce sẽ xuất hiện vào những tháng đầu năm sau.

​Rudolph tin rằng giá vàng có thể sẽ giao dịch quanh mức 3.000 USD/ounce trong vài tháng vì vàng sẽ đóng vai trò là nam châm thu hút mạnh mẽ đối với các nhà đầu tư:

​“Việc mua vàng vật chất của một số ngân hàng trung ương, đặc biệt là Trung Quốc có khả năng sẽ tiếp tục cho đến khi ngưỡng này đạt được.

Nếu những lần mua vàng thỏi này tiếp tục, đẩy giá vàng vượt quá mức kỹ thuật 3.000 USD/ounce, thì kim loại quý cũng có thể đạt tới mức 3.113 USD/ounce”.

Ông nói thêm rằng nếu vàng vượt qua các ngưỡng kỹ thuật này vào năm 2025, “mốc tâm lý tiếp theo là 4.000 USD/ounce cũng có thể được coi là mục tiêu tăng giá khả thi”.

​Rudolph cho biết đợt giảm giá bất ngờ xuống 2.731,64 USD/ounce sau mức cao kỷ lục là 2.790,17 USD/ounce vào tuần trước “là cơ hội mua vào cho các nhà đầu tư trước cuộc bầu cử Mỹ”.

“Miễn mức thấp nhất ngày 23.10 là 2.731,6 USD/ounce vẫn được duy trì, xu hướng tăng trung hạn sẽ vẫn còn nguyên vẹn.

Sau khi giảm xuống dưới 2.732 USD/ounce, giá vàng giao ngay đang chứng kiến ​​đà mua vừa phải vào sáng thứ Hai (4.11). Tuy nhiên giá vàng thế giới vẫn đang đi ngang trong bối cảnh nhà đầu tư thận trọng hơn khi chờ đợi thông tin từ cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Nhà phân tích cấp cao của Kitco – ông Jim Wyckoff cho biết, tuần này cũng có cuộc họp FOMC của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED). Cuộc họp bắt đầu vào sáng thứ Ba và kết thúc vào chiều thứ Tư với tuyên bố của FOMC và cuộc họp báo từ Chủ tịch FED – ông Jerome Powell.

Hầu hết mọi người đều tin rằng FED sẽ cắt giảm lãi suất chính 0,25%, đặc biệt là sau báo cáo việc làm yếu hơn của Mỹ được công bố vào thứ Sáu tuần trước.

Các thị trường bên ngoài quan trọng ghi nhận giá dầu thô tương lai Nymex tăng mạnh và giao dịch quanh mức 71,5 USD/thùng. Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ OPEC đã gia hạn cắt giảm sản lượng. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm đạt 4,307%.

Tiếp đến, báo VnExpress ngày 06/11 cũng có bài đăng với thông tin: “Giá vàng, chứng khoán Mỹ cùng tăng trong ngày bầu cử”. Nội dung được báo đưa như sau:

Chốt phiên giao dịch ngày 5/11, giá vàng thế giới giao ngay tăng hơn 7 USD lên 2.743 USD một ounce. Sáng nay, giá tiếp tục nhích lên, hiện giao dịch tại 2.744 USD.

“Thị trường được hỗ trợ bởi sự bất ổn quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Nhà đầu tư lo ngại mọi việc không suôn sẻ, hoặc thuế nhập khẩu sẽ bị nâng lên, hay chính sách kinh tế có nhiều thay đổi”, Daniel Pavilonis – chiến lược gia thị trường cấp cao tại RJO Futures – nhận định.

Khi các kết quả thăm dò gần đây cho thấy hai ứng cử viên Donald Trump và Kamala Harris không có lợi thế rõ rệt, nhà đầu tư đặc biệt e ngại kết quả không rõ ràng hoặc gây tranh cãi. “Kết quả bầu cử có thể thiếu chắc chắn trong vài ngày hoặc thậm chí vài tuần. Vàng sẽ hưởng lợi từ việc này”, Commerzbank nhận định. Mỹ có thể khó quyết định người chiến thắng nếu chênh lệch tại các bang chiến trường sít sao như dự báo.

Han Tan – chiến lược gia tại Exinity Group cho rằng giá vàng có thể chạm 2.800 USD “vì kết quả mơ hồ” sau cuộc bầu cử.

Một lý do khác kéo giá vàng lên cao là nhà đầu tư gần như chắc chắn Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất ngày 7/11. Năm nay, giá đã tăng 33% nhờ môi trường lãi suất thấp và bất ổn kinh tế – chính trị trên toàn cầu.

Chứng khoán Mỹ hôm qua cũng tăng mạnh, nhờ các số liệu lạc quan về nền kinh tế lớn nhất thế giới. Chốt phiên 5/11, chỉ số S&P 500 tăng 1,2% lên 5.782 điểm. DJIA tăng 1%, đóng cửa tại 42.221 điểm, còn Nasdaq Composite tăng thêm 1,4% lên 18.439 điểm.

Viện Quản lý Nguồn cung (ISM) Mỹ hôm qua cho biết chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành dịch vụ nước này tiếp tục tăng tốc trong tháng 10, lên 56 điểm. Kinh tế Mỹ ngày càng được dự báo hạ cánh mềm, nhờ lợi nhuận doanh nghiệp tăng, lãi suất giảm và thị trường lao động vững chắc.

Dù vậy, nhà đầu tư vẫn đang theo dõi và dự báo kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ, chuẩn bị cho khả năng bất ổn kéo dài. Cổ phiếu Trump Media & Technology Group – chỉ báo cho kỳ vọng của nhà đầu tư về khả năng thắng cử của ông Trump – biến động lớn hôm qua. Có thời điểm mã này tăng tới 18,6%, sau đó lại giảm 8,4%. Chốt phiên, Trump Media mất 1,1%.

Trên thị trường tiền tệ, Dollar Index – đo sức mạnh của đồng bạc xanh với rổ tiền tệ lớn – hiện giảm 0,4% xuống 103,4 điểm. Cả euro, yen và nhân dân tệ đều tăng giá. Mỗi euro hiện đổi được 1,09 USD. Một đôla Mỹ hiện tương đương 151 yen và 7,1 nhân dân tệ. Các tiền tệ này đều có khả năng chịu ảnh hưởng nếu Trump tái đắc cử và tăng thuế nhập khẩu mạnh tay.

Giá Bitcoin – tiền số phổ biến nhất thế giới – hiện tăng 2,8% lên 69.800 USD một đồng. Trong chiến dịch tranh cử, Trump luôn thể hiện quan điểm thân thiện với tiền số.