Giá vàng trưa nay 23/4: Chớp mắt bốc hơi ngay 2 triệu, nhìn giá lúc này nhà đầu tư ước gì bán sớm hơn

Giá vàng miếng trong nước sáng nay 23/4 đã quay đầu suy giảm 2 triệu đồng/lượng, về mốc 120 – 122 triệu đồng/lượng.

9h sáng nay, giá vàng miếng được niêm yết tại Doji và SJC ở ngưỡng 120 – 122 triệu đồng/lượng (mua – bán), giảm 2 triệu đồng/lượng so với đầu giờ sáng nay.

Cùng thời điểm, giá vàng nhẫn được Doji niêm yết ở ngưỡng 114,2 – 116,8 triệu đồng/lượng (mua – bán), giảm 3 – 2,2 triệu đồng/lượng.

Như vậy, đỉnh cao lịch sử 124,5 triệu đồng/lượng vừa lập được hôm qua đã mất.

Giá vàng trong nước hôm nay giảm mạnh theo đà giảm của giá vàng thế giới. Sáng nay, giá vàng thế giới giảm 108 USD/ounce so với đầu giờ sáng qua, xuống 3.324 USD/ounce.

Nguyên nhân là do tâm lý lạc quan vào cổ phiếu và đồng USD phục hồi trở lại khi những bình luận của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent ám chỉ căng thẳng thương mại Mỹ-Trung sẽ hạ nhiệt.

Theo chiến lược gia thị trường cấp cao Bob Haberkorn của RJO Futures, một đợt bán tháo được kích hoạt khi những bình luận của Bộ trưởng Tài chính Mỹ ám chỉ về khả năng tan băng trong cuộc chiến thương mại.
Giá vàng trong nước giảm 2 triệu đồng/lượng. (Ảnh: VNN).

Giá vàng trong nước giảm 2 triệu đồng/lượng. (Ảnh: VNN).
Vào thứ Ba, ông Bessent cho biết, ông kỳ vọng “sẽ có sự hạ nhiệt” trong cuộc chiến thuế quan Mỹ-Trung trong “tương lai rất gần”. Không lâu sau đó, cổ phiếu Mỹ đã tăng hơn 2% và đồng USD phục hồi. Chỉ số US Dollar Index tăng 0,7%, khiến vàng thỏi trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.

Trong bối cảnh giá vàng trong nước liên tục tăng nóng nhiều ngày nay, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần phải có biện pháp để đưa giá vàng trong nước về gần với giá vàng thế giới hơn. Không thể để tình trạng giá vàng thế giới tăng, chúng ta cũng tăng mạnh hơn khiến khoảng cách ngày càng được nới rộng sẽ tạo ra hệ lụy rất xấu.

“Việc cần có các biện pháp hành chính để bỉnh ổn thị trường là rất cần thiết”, ông Long nêu ý kiến.

Trước đó, NHNN đã chỉ ra 3 nguyên nhân khiến giá vàng quốc tế liên tiếp tăng là:

Thứ nhất, bất ổn chính trị, xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược gia tăng trên phạm vi toàn cầu như xung đột quân sự Nga – Ukraine kéo dài, kéo theo đó là các biện pháp trừng phạt, trả đũa lẫn nhau về kinh tế, chính trị giữa Nga với Mỹ và đồng minh; xung đột quân sự giữa Isarel và các quốc gia, lực lượng Hồi giáo tại Trung Đông.

Thứ hai, nhiều Ngân hàng trung ương và quỹ đầu tư đẩy mạnh mua vào vàng để bổ sung dự trữ ngoại hối cũng là lý do quan trọng khiến giá vàng tăng.

Thứ ba, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế đối ứng cao với các quốc gia trên thế giới đã tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư và tăng trưởng kinh tế thế giới, khiến dòng tiền của nhà đầu tư có xu hướng đổ vào vàng…

NHNN cho rằng, giá vàng tăng cao là diễn biến chung của cả thị trường quốc tế lẫn trong nước, tuy nhiên chênh lệch giữa trung bình giá mua, bán vàng trong nước và giá thế giới đã giảm đáng kể so với thời điểm năm 2024 (có thời điểm chênh lệch lên mức cao nhất trong năm 2024 khoảng 18 triệu đồng/lượng, tương đương 25%).

“Diễn biến này cho thấy với những biện pháp quản lý thị trường vàng thời gian qua, chênh lệch giá vàng miếng SJC trong nước và giá vàng thế giới quy đổi được kiểm soát trong biên độ phù hợp”, NHNN nhận định.