EVN giải thích giá điện tháng 6 tăng chót vót khiến người dân thở phào: Do các cháu nghỉ hè
Hóa đơn tiền điện tháng 6 vừa qua khiến không ít hộ gia đình “giật mình”. Theo ngành điện, có 2 nguyên nhân chính khiến chi phí điện tăng cao rõ rệt đó là do nhiệt độ ngoài trời liên tục ở mức 40-42°C suốt nhiều ngày và thói quen sinh hoạt thay đổi khi học sinh bước vào kỳ nghỉ hè.
Theo Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVNHANOI), tháng 6/2025 ghi nhận mức tăng nhiệt độ rõ rệt tại Hà Nội, với nền nhiệt trung bình tăng từ 2 đến 6°C so với tháng 5. Đặc biệt, trong những ngày cao điểm nắng nóng đầu và giữa tháng 6 nhiệt độ ngoài trời lên tới 41°C, mức nhiệt cảm nhận thực tế thậm chí đạt 52°C.
Nhiệt độ cao kéo dài không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt mà còn làm gia tăng nhu cầu sử dụng điện, đặc biệt là các thiết bị làm mát như điều hòa, quạt và tủ lạnh. Tình trạng này khiến sản lượng tiêu thụ điện trong toàn thành phố tăng mạnh, đặc biệt ở khu vực dân cư.
Theo thống kê của EVNHANOI, trong tháng 6/2025, sản lượng điện bình quân theo ngày trên toàn địa bàn Hà Nội đạt hơn 90 triệu kWh, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2024. Tổng sản lượng trong tháng 6 đạt xấp xỉ 2.700 triệu kWh, trong đó mức đỉnh được ghi nhận vào ngày 2/6 với 110,9 triệu kWh – cao nhất từ đầu năm đến nay.
Ảnh minh họa.
Trong đó, riêng nhóm khách hàng thuộc thành phần quản lý tiêu dùng dân cư chiếm hơn 59,5% tổng sản lượng, tăng 1,15 lần so với tháng 5. Điều này phản ánh tác động trực tiếp của thời tiết tới hành vi sử dụng điện trong các hộ gia đình.
Đặc biệt, khi kỳ nghỉ hè của học sinh trùng với cao điểm nắng nóng, dẫn đến thời gian sử dụng điều hòa và các thiết bị điện kéo dài liên tục cả ngày lẫn đêm.
Nhiệt độ cao không chỉ làm tăng tần suất sử dụng điện mà còn khiến các thiết bị làm mát tiêu tốn nhiều năng lượng hơn để duy trì hiệu quả vận hành. Khi chênh lệch nhiệt độ giữa trong nhà và ngoài trời lớn, điều hòa phải hoạt động liên tục, ít ngắt máy, dẫn đến mức tiêu thụ điện tăng cao dù thời lượng sử dụng không thay đổi.
Theo nghiên cứu từ các chuyên gia ngành điện, điều hòa có thể chiếm từ 28% đến 64%, thậm chí tới 80% tổng lượng điện tiêu thụ trong gia đình vào mùa hè. Khi nhiệt độ ngoài trời tăng lên 1°C, điện năng tiêu thụ của điều hòa có thể tăng từ 2% đến 3%, tùy vào dòng máy. Nền nhiệt tăng từ 5°C trở lên có thể khiến điện năng tiêu thụ tăng đến 10%.
Ngoài ra, thói quen hạ thấp nhiệt độ điều hòa quá mức (dưới 25°C), sử dụng liên tục trong nhiều giờ hoặc dùng đồng thời nhiều thiết bị công suất lớn cũng góp phần làm hóa đơn tăng mà người dùng không nhận ra.
Không chỉ riêng điều hòa, thói quen sử dụng điện thiếu kiểm soát của trẻ em trong dịp nghỉ hè cũng là một yếu tố khiến hóa đơn điện “đột biến”. Nhiều gia đình bật tivi cả ngày dù không có ai xem, hoặc để máy tính hoạt động trong khi trẻ tạm rời khỏi phòng. Những hành vi tưởng chừng vô hại này, khi lặp đi lặp lại suốt nhiều tuần, sẽ “ngốn” không ít điện năng mà người dân không nhận ra ngay lập tức.
Như vậy lượng điện năng tiêu thụ tăng theo quy luật hàng năm vào những tháng hè và các cháu nhỏ nghỉ hè ở nhà làm tổng số tiền điện tháng 6/2025 các hộ dân phải trả tăng hơn so với tháng trước.
Trước tình hình đó, EVNHANOI khuyến cáo khách hàng cần chủ động theo dõi lượng điện tiêu thụ của gia đình hằng ngày thông qua hệ sinh thái chăm sóc khách hàng của EVNHANOI.
Đồng thời, khách hàng nên thường xuyên kiểm tra sản lượng điện, đặt ngưỡng cảnh báo khi vượt mức tiêu thụ bình thường để kịp thời điều chỉnh hành vi sử dụng điện.
Đặc biệt trong mùa hè, người dân nên sử dụng điều hòa ở mức nhiệt độ hợp lý (từ 26-28°C), kết hợp với quạt, tắt các thiết bị khi không cần thiết và hạn chế sử dụng cùng lúc nhiều thiết bị công suất lớn trong khung giờ cao điểm từ 12h00 ÷ 15h00 và từ 22h00 ÷ 24h00 hàng ngày.
Mặt khác, việc sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả không chỉ giúp giảm hóa đơn điện mà còn góp phần giảm áp lực lên hệ thống điện quốc gia, nhất là trong giai đoạn cao điểm mùa nắng nóng.