Bão số 3 đang suy yếu dần: Đúng hay sai?!
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia lúc 11h trưa nay, bão số 3 đang ở trên đất liền các tỉnh Hưng Yên – Ninh Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.
Bão số 3 (Wipha) đã đi vào đất liền
Ảnh mây vệ tinh bão số 3 lúc 10h sáng 22-7, bão đã đi vào đất liền – Ảnh: NCHMF
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia lúc 11h trưa nay, bão số 3 đang ở trên đất liền các tỉnh Hưng Yên – Ninh Bình. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/giờ), giật cấp 10.
Do ảnh hưởng của bão số 3, ở trạm Thái Bình (Hưng Yên) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 8. Nước dâng do bão tại Hòn Dấu (Hải Phòng) cao 0,6m và tại Ba Lạt (Hưng Yên) cao 0,8m.
Dự báo trong trưa và chiều nay, bão đi sâu vào đất liền và suy yếu dần.
Khoảng 11h20, dông gió nổi lên dữ dội tại biển xã Đồng Châu – Hưng Yên (Tiền Hải – Thái Bình cũ). Cơ quan khí tượng địa phương cho biết sức gió sẽ tăng lên cấp 8-9 trong buổi chiều. Lúc 13h-14h, đỉnh triều có thể lên khoảng 3,46m – Ảnh: HỒNG QUANG
Bão suy yếu dần nhưng Nghệ An, Thanh Hóa còn mưa lớn
Lúc 12h trưa, ông Hoàng Văn Đại – phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia – cho biết dự báo trong chiều và tối 22-7, bão số 3 tiếp tục di chuyển theo hướng tây nam và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới rồi vùng áp thấp.
Hoàn lưu bão số 3 tiếp tục gây mưa lớn ở khu vực Nghệ An, Thanh Hóa với lượng mưa phổ biến 50-100mm, còn nam Sơn La, và nam Phú Thọ có mưa 30-70mm.
Với lượng mưa tiếp diễn như vậy, nguy cơ cao xảy ra hiện tượng lũ quét, sạt lở đất, ngập lụt cục bộ trong chiều và đêm nay, nhất là ở phía tây Thanh Hóa và Nghệ An.
Theo ông Đại, hiện nay, ở Nghệ An, Thanh Hóa đang có mưa to, các sông suối đang bắt đầu hình thành dòng chảy lũ và sẽ tăng mạnh.
“Chúng tôi khuyến cáo trong thời gian này, bà con hạn chế di chuyển, nếu có việc cần thiết thì hạn chế đi ở gần ven sông suối và qua các ngầm tràn vì lũ có khả năng nên nhanh, khi đó có thể sẽ không kịp ứng phó”, ông Đại nói.
Tại Hà Nội, thời điểm 11h45 trưa 22-7, trời vẫn lặng gió. Tuy nhiên bắt đầu xuất hiện mưa lớn khiến đường phố thưa vắng người. Theo dự báo, do ảnh hưởng của bão số 3 có thể gây mưa to với cường độ lớn, nguy cơ cao xảy ra ngập úng tại một số khu đô thị, nhiều tuyến phố nội thành Hà Nội, với độ sâu ngập 0,2-0,5m, có nơi trên 0,5m; thời gian duy trì ngập 30-60 phút.
Từ nay đến sáng 23-7, Hà Nội có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông, lượng mưa phổ biến 80 – 200mm, có nơi trên 250mm.
Rất ít người Hà Nội ra đường vào trưa 22-7 – Ảnh: PHẠM TUẤN
Ninh Bình: Gió bão quật mạnh ở khu vực ven biển
Trưa 22-7 gió bão giật mạnh tại ven biển xã Giao Phúc (Ninh Bình) – Ảnh: DANH KHANG
Trưa 22-7, ghi nhận tại xã Giao Phúc – một trong những xã giáp biển của tỉnh Ninh Bình (trước đây là tỉnh Nam Định), gió giật mạnh, trời chuyển tối và mưa.
Theo người dân địa phương, ngày 21-7, trước khi bão số 3 đổ bộ, trên địa bàn tỉnh Ninh Bình mưa như trút nước, nên theo kinh nghiệp đi biển, bão lần này sẽ không mạnh như bão số 3 xảy ra tháng 9-2024.
Ghi nhận tại tuyến đường đê ven biển xã Giao Phúc cho thấy chòi canh ngao của người dân đã được giằng chống cẩn thận, dù gió mạnh nhưng vẫn chưa xảy ra tình trạng gãy đổ, hư hại.
Dù gió biển giật mạnh nhưng chòi canh ngao của người dân xã Giao Phúc vẫn đứng vững – Ảnh: DANH KHANG
Theo Đài khí tượng thủy văn Ninh Bình, đêm qua và sáng nay tại tỉnh Ninh Bình đã có gió mạnh 11m/s (cấp 6), giật 21m/s (cấp 9), có mưa to đến rất to, với lượng mưa phổ biến từ 80-180mm, có nơi trên 200mm.
Có nơi như phường Tam Điệp lượng mưa đo được khoảng 214,2m, xã Hải Anh khoảng 213,8mm và xã Giao Ninh 201,8mm.
Tại xã Hải Thịnh, mưa lớn từ đêm qua đã gây nguy cơ ngập úng tại một số điểm. Ngay trong sáng nay xã Hải Thịnh đã phối hợp với các lực lượng kiểm tra, rà soạt lại các khu vực xung yếu.
Chính quyền các cấp, các lực lượng và người dân tỉnh Ninh Bình đã chuẩn bị tinh thần chủ động ứng phó với bão.
Đến 13h30 chiều 22-7 gió bão vẫn quật mạnh tại nhiều xã ven biển ở Ninh Bình (tỉnh Thái Bình trước đây). Để đảm bảo an toàn, trước khi bão đến (sáng 22-7), 39 hộ dân thuộc hai khu chung cư 181 và 207 Hoàng Văn Thụ đã được di dời khẩn cấp đến nơi an toàn đến trạm y tế.
Tại Sở Chỉ huy tiền phương phòng, chống bão Ninh Bình, ông Lê Quốc Chỉnh, phó bí thư Tỉnh ủy, chủ tịch HĐND tỉnh, trưởng sở chỉ huy yêu cầu các lực lượng chức năng ứng trực 24/24 giờ, vận hành trạm bơm hết công suất, sẵn sàng xử lý các tình huống bất ngờ tại chỗ.
Ông Chỉnh yêu cầu trong trường hợp phát sinh sự cố, các địa phương ngay lập tức phải huy động lực lượng để ứng cứu, không được để bị động hay chậm trễ. Đồng thời sau bão toàn bộ hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở sẽ đồng loạt ra quân khắc phục hậu quả thu dọn cây đổ, khơi thông cống rãnh, phục hồi cảnh quan, sớm đưa cuộc sống của người dân trở lại bình thường.
Đồ Sơn có gió cấp 8, sóng lớn và thủy triều
Sóng lớn ở biển Đồ Sơn (Hải Phòng) trưa 22-7, sau khi bão số 3 Wipha đổ bộ vào vùng biển từ Hưng Yên tới Ninh Bình (từ Thái Bình với Nam Định trước đây) – Ảnh: TIẾN NGUYỄN
Theo lãnh đạo phường Đồ Sơn, trưa 22-7, tại Đồ Sơn (thành phố Hải Phòng), gió cấp 7-8, giật cấp 9. Gió lớn kết hợp với triều cường lên tạo ra những con sóng liên tiếp xô bờ.
Quận Đồ Sơn đã huy động lực lượng chốt chặn, cấm các phương tiện và người vào khu 1, 2, 3. Đồng thời, tuần tra, nhắc nhở những người dân địa phương chú ý, đảm bảo an toàn.
Cũng theo lãnh đạo phường Đồ Sơn, đêm qua và rạng sáng nay khu vực Đồ Sơn có gió nhẹ. Nhưng đến sáng 22-7, bão vào bờ, gió bắt đầu thổi mạnh, những con sóng lớn dồn dập dọc theo tuyến đường ven biển rất nguy hiểm, người dân, du khách tuyệt đối không ra khu vực này.
Ghi nhận của Tuổi trẻ Online lúc 12h ngày 22-7, nước biển dâng cao cùng với gió lớn đã tạo ra những con sóng liên tiếp trên các bãi biển.
Tại khu vực đường Lý Thái Tổ, phường Đồ Sơn đã huy động lực lượng công an và các lực lượng khác chốt chặn. Tất cả những người không có nhiệm vụ đều được mời “quay đầu”.
Đồ Sơn có gió cấp 7-8, giật cấp 9-10. Trời nhiều mây, có mưa, kết hợp với nước thủy triều dâng khiến cho đường bao ven biển khu 1 ngập nước. Đây là khu vực rất nguy hiểm, du khách và nhân dân tuyệt đối không nên ra đây ngắm sóng.
Cảnh báo dông, lốc, mưa lớn cục bộ ở Hà Nội
Bầu trời Hà Nội lúc 14h30 ngày 22-7, sau khi cơn bão số 3 Wipha đổ bộ đất liền – Ảnh: NAM TRẦN
Lúc 13h25, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn cho biết qua theo dõi trên ảnh vệ tinh, số liệu định vị sét và ảnh ra đa thời tiết cho thấy vùng mây ở phía bắc hoàn lưu cơn bão vẫn tiếp tục tồn tại trên các phường xã tại Hà Nội như xã Yên Bài, Đoài Phương, Phúc Thọ, Ba Vì, Ô Diên… và các phường Phú Thượng, Xuân Đỉnh, Đông Ngạc, Nghĩa Đô… Vùng mây này tiếp tục tồn tại trong vài giờ tới và có xu hướng dịch chuyển theo cơn bão.
Dự báo trong 4 giờ tới, các phường thuộc nội thành Hà Nội nói trên có mưa, mưa rào và có thể có dông. Vùng mưa dông có thể mở rộng sang các phường khác thuộc nội thành Hà Nội. Trong cơn mưa có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh.
Lúc 13h20 chiều 22-7, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết hiện tại trạm Hòn Dấu (Hải Phòng) vẫn đang có gió mạnh 20m/s (tương đương cấp 8), trạm Văn Lý (Nam Định cũ) có gió 18m/s (tương đương cấp 7).
Bão đã đi vào đất liền
Lúc 10h20, ông Hoàng Phúc Lâm, phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết lúc 10h sáng nay, bão số 3 đã đi vào đất liền Hưng Yên và Ninh Bình. Hai tỉnh này sẽ chịu ảnh hưởng gió bão mạnh nhất. Còn khu vực Quảng Ninh và Hải Phòng có khả năng có gió mạnh trở lại nhưng không mạnh bằng tối và đêm 21-7.
“Với xu hướng bão di chuyển theo hướng tây tây nam, trong trưa và chiều nay, bão sẽ đi sâu vào đất liền.
Mưa và gió do bão còn duy trì đến chiều nay, nhất là mưa lớn ở khu vực Nghệ An, Thanh Hóa cần lưu ý lũ quét và sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở đô thị và vùng thấp”, ông Khiêm lưu ý.
10h40 ngày 22-7, gió mạnh hơn khi bão số 3 vào đất liền Hải Phòng – Ảnh: TIẾN NGUYỄN
6h50 sáng 22-7, ông Mai Văn Khiêm, giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, dự báo trong sáng đến trưa nay 22-7, bão số 3 (Wipha) đổ bộ vào đất liền nam Hải Phòng, Hưng Yên và Ninh Bình với gió có thể mạnh cấp 9, giật cấp 11, 12. Sâu trong đất liền Hà Nội, Bắc Ninh, Thanh Hóa có thể có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 8.
Theo ông Khiêm, từ đêm qua đến sáng nay, bão số 3 đang duy trì cường độ cấp 10 (88-103km/h) và di chuyển theo hướng tây tây nam (dọc biển Quảng Ninh về Hải Phòng, Hưng Yên) với tốc độ trung bình 10-15km.
Đến 8h, tâm bão số 3 nằm ngay trên vùng biển ven bờ Hưng Yên – Ninh Bình với cường độ cấp 9 (74-88km/h), giảm một cấp so với trước đó.
Vị trí và hướng di chuyển bão lúc 8h sáng 22-7
Ảnh hưởng của bão số 3, Thanh Hóa đang có mưa lớn, đường ngập
Do ảnh hưởng của cơn bão số 3 Wipha, sáng nay 22-7, tại nhiều địa phương của tỉnh Thanh Hóa có mưa lớn kéo dài.
Tại các phường Hạc Thành, Hàm Rồng, Nguyệt Viên, Đông Sơn, Quảng Phú (TP Thanh Hóa cũ) đã và đang có mưa rất to vào buổi trưa.
Nhiều đường phố ở phường Hạc Thành – phường trung tâm của tỉnh Thanh Hóa – đã bị ngập. Các phương tiện lưu thông khó khăn.
Mưa lớn kèm gió thổi mạnh đã làm nhiều cây xanh tại nhiều phường ở tỉnh Thanh Hóa bị gãy đổ.
Mưa lớn tại xã Tống Sơn bị ngập cục bộ diện tích lúa xạ (vùng Hà Tân, Hà Tiến cũ); xã Nga An bị ngập cục bộ diện tích lúa mới cấy, rau và các ao trong dân.
Nhiều đường phố ở phường Hạc Thành, tỉnh Thanh Hóa bị ngập do mưa lớn sáng 22-7- Ảnh: CTV
Tại các xã vùng cao Thanh Phong, Thanh Quân, Hóa Quỳ (huyện Như Xuân cũ), mưa lớn từ đêm 21 đến trưa 22-7 đã làm ngập lụt nhiều đập tràn trên đường giao thông, gây chia cắt cục bộ một số bản trên địa bàn.
Lực lượng công an, dân quân địa phương đã lập chốt, túc trực thường xuyên tại các đập tràn đang có nước lũ dâng cao để ngăn, không cho
Về sơ tán dân sinh sống ở khu vực có nguy cơ sạt lở đất, đến sáng 22-7, chính quyền các địa phương ở Thanh Hóa đã chủ động sơ tán 98 hộ/449 khẩu đến nơi an toàn (xã Điền Lư 18 hộ/45 khẩu; xã Nam Xuân 11 hộ/48 khẩu; xã Tam Chung 15 hộ/94 khẩu; xã Bá Thước 3 hộ/15 khẩu; xã Kim Tân 12 hộ/54 khẩu; xã Mường Lý 33 hộ/174 khẩu; xã Sơn Thủy 3 hộ/11 khẩu; xã Yên Nhân 3 hộ/8 khẩu).
Đến 11h15 ngày 22-7, tại Thanh Hóa vẫn đang có mưa to đến rất to. Người dân ở các xã vùng cao Thanh Hóa đang thường trực nỗi lo sạt lở đất đá, lũ quét, lũ ống khi mưa lớn kéo dài do hoàn lưu bão số 3.
Mưa lớn làm nước ngập sâu tại đập tràn ở xã vùng cao Hóa Quỳ, tỉnh Thanh Hóa sáng 22-7, khiến người và xe không qua lại được – Ảnh: người dân cung cấp.