Mặc dù được ví là “vua của các loại rau” vì hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho sức khỏe lại ít calo nhưng không phải ai cũng có thể ăn được cà tím.
Cà tím có tên khoa học là solanum melongena, được ví như “vua của các loại rau” vì giàu dinh dưỡng. Nghiên cứu đã chỉ ra trong cà tím có chứa tới 92% nước cùng hàm lượng lớn các lipid, protid, glucid…
Không những thế, loại quả này còn giàu kali, phốt pho, magie, canxi, lưu huỳnh, sắt, mangan, kẽm, đồng và nhiều loại vitamin khác. Với hàm lượng dưỡng chất dồi dào, cà tím được xếp vào danh sách các thực phẩm tốt cho sức khỏe.
Một số công dụng của cà tím có thể kể tới như:
Phòng ung thư
Cà tím có khả năng phòng ung thư cực kỳ tốt nhờ hàm lượng chất xơ cùng chất chống oxy hóa dồi dào. Đây chính là dưỡng chất giúp loại bỏ các gốc tự do gây hại cho cơ thể.
Kháng khuẩn, ngừa viêm nhiễm
Nhờ chứa một lượng lớn vitamin C, cà tím giúp cơ thể kháng khuẩn, phòng ngừa nguy cơ viêm nhiễm, nhiễm trùng…
Ổn định huyết áp
Có thể bạn chưa biết vỏ và thịt của cà tím rất giàu flavonoid. Đây là chất giúp ổn định huyết áp và có tác dụng làm giảm căng thẳng, mệt mỏi hiệu quả.
Tốt cho tóc
Một số nghiên cứu đã chỉ ra trong cà tím rất giàu enzyme có khả năng kích thích nang tóc, từ đó giúp tóc mọc nhanh và khỏe hơn.
Bổ tim mạch
Chuyên gia dinh dưỡng cho hay ăn cà tím thường xuyên sẽ giúp giảm đáng kể lượng cholesterol trong máu. Nhờ công dụng này mà cà tím sẽ bảo vệ hệ tim mạch, đồng thời bổ sung chất xơ, nước giúp quá trình trao đổi chất trong cơ thể hiệu quả hơn.
Tốt cho giấc ngủ
Các chất trong cà tím giúp giảm cảm giác bồn chồn, lo lắng hiệu quả. Ngoài ra, nó cũng giúp bạn có giấc ngủ ngon hơn.
Tăng cường sức đề kháng
Cà tím rất giàu khoáng chất, vitamin cùng nước và potassium giúp cải thiện hệ miễn dịch hiệu quả, tăng cường sức đề kháng.
Mặc dù có nhiều công dụng tuyệt vời với sức khỏe nhưng cà tím lại gây nguy hiểm cho 4 nhóm người sau:
Người bị bệnh tỳ vị, dạ dày
Theo Đông y, cà tím là thực phẩm có tính hàn nên những người bị tỳ vị yếu, dạ dày không khỏe cần tránh ăn. Việc bạn ăn cà tím có thể gây ra tình trạng khó tiêu thậm chí đau bụng, đi ngoài.
Phụ nữ đang mang thai
Mặc dù giàu dinh dưỡng nhưng cà tím lại không thực sự tốt cho phụ nữ mang thai. Cụ thể, trong cà tím có chứa các alkaloid, chất này dễ gây ra một số tác dụng phụ với thai nhi. Do vậy, các chuyên gia khuyên phụ nữ mang thai không nên ăn hoặc hạn chế ăn cà tím, nhất là cà tím còn sống.
Người bị hen suyễn
Không phải ai cũng biết trong cà tím có chứa một số chất gây ra các triệu chứng của bệnh hen suyễn hoặc khiến tình trạng bệnh trở nên nặng hơn. Do vậy, người mắc bệnh này nên cân nhắc khi ăn.
Người bị thiếu máu
Nghiên cứu chỉ ra các hợp chất anthocyanin trong cà tím sẽ gây ức chế lên hoạt động của các ion sắt từ đó làm cản trở việc hấp thu sắt của cơ thể.
Bên cạnh đó, nó còn tác động đến các ion khác như kẽm, đồng,… Cũng vì lý do này mà người thiếu máu được khuyên nên hạn chế ăn cà tím.
Ngoài ra, trong cà tím chưa nấu chín còn có chứa các solanine, chất này dễ gây đau bụng, tiêu chảy, nôn mửa, chóng mặt. Do đó, hãy đảm bảo nấu cà tím thật chín trước khi sử dụng nhé.