Với cách sơ chế này, các chất bẩn trong tôm sẽ được làm sạch mà vẫn giữ được độ tươi ngon của con tôm.
Cách sơ chế tôm
Tôm là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, có thể chế biến thành nhiều món ngon hấp dẫn. Thông thường, khi mua tôm về, nhiều người chỉ rửa với nước sạch, bỏ chỉ ở lưng tôm rồi đem chế biến. Tuy nhiên, như vậy là chưa đủ.
Để làm sạch và khử mùi tanh của tôm, bạn cần làm thêm một bước.
Trong đuôi, chân và râu tôm đều chứa nhiều chất bẩn. Nếu chỉ rửa bằng nước thông thường thì không thể sạch hoàn toàn được. Do đó, bạn cần chuẩn bị thêm nguyên liệu là baking soda và muối.
Rắc một thìa baking soda lên tôm rồi thêm một thìa muối và cho một lượng nước vừa đủ xâm xấp mặt tôm. Dùng tay khuấy đều để muối và baking soda tan hết. Ngâm tôm trong nước này khoảng 15 phút.
Sau đó, đem tôm đi rửa lại nhiều lần với nước sạch để loại bỏ hết chất bẩn và nhớt.
Tiếp đến, bạn có thể lấy phần chỉ tôm và túi phân trên đầu tôm cho sạch. Có nhiều cách khác nhau để lấy chất bẩn trong đầu tôm và chỉ lưng tôm.
Bạn có thể dùng kéo cắt đầu tôm và lấy túi chất thải ra ngoài.
Dùng tăm để lấy phần chỉ ở lưng tôm.
Rửa lại tôm một lần nước rồi để ráo nước và đem đi chế biến tùy theo sở thích.
Cách chọn tôm tươi ngon
– Quan sát vỏ tôm: Khi chọn tôm, bạn nên chọn những con tôm có vỏi ngoài trong suốt. Không nên chọn những con tôm mà trên vỏ có mảng màu tối hoặc màu sắc không đồng nhất.
– Tôm không chảy nhớt: Nhấc con tôm lên có hiện tượng chảy nhớt, thân tôm uốn cong thì không nên mua. Dùng tay ấn nhẹ và di chuyển trên thân tôm thấy cộm như có sạn trên vỏ hoặc tôm đã chảy nhớt dính thì không nên mua.
– Kiểm tra chân tôm, đầu tôm, đuôi tôm: Tôm tươi thường có phần đuôi xếp lại với nhau. Nếu tôm xòe đuôi thì đó là dấu hiệu tôm bị bơm hóa chất hoặc nước để tăng trọng lượng. Tôm tươi, không bơm hóa chất thường có phần thân hơi cong, căng thịt nhưng không mập mạp bất thường, các khớp vỏ trên thân tôm linh hoạt, không rời rạc. Đầu tôm, chân tôm phải gắn chặt với thân. Chân tôm chuyển sang màu đen thì không nên mua.