Sau bão Yagi, mưa lớn kéo dài gây nguy cơ lũ quét và kích hoạt sạt lở đất ở hầu hết tỉnh miền núi phía Bắc và Thanh Hoá, theo ông Hoàng Văn Đại, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thuỷ văn quốc gia. Tính đến tối 8/9, 17 tỉnh phía Bắc bị đặt trong diện cảnh báo lũ quét và sạt lở.
Số khu vực thuộc diện cảnh báo “tím”, rủi ro cấp 5 – mức thảm hoạ, liên tục tăng kể từ khi bão đổ bộ sáng 7/9. Một số nơi ở cấp 4 (đỏ) hoặc 3 (cam).
Lũ quét và sạt lở thường diễn ra theo các giai đoạn kế tiếp nhau: mưa lớn đổ xuống, nước từ sườn dốc tràn vào sông suối, gây xói mòn và sạt lở, cuốn trôi vật liệu, lấp các khu vực thấp trũng. Những hiện tượng này thường xảy ra khi lượng mưa lớn làm mất ổn định địa hình dốc.
Trong 24 giờ qua (từ 20h ngày 7/9 đến 8/9), nhiều tỉnh Bắc Bộ ghi nhận lượng mưa rất lớn, vượt 400 mm tại một số nơi như: Pú Dảnh 417 mm (Sơn La); Vạn Mai 343 mm (Hoà Bình); Nậm Xây 2 – 383 mm (Lào Cai); Tà Si Láng 425 mm (Yên Bái)… Mô hình độ ẩm đất cho thấy một số khu vực đã gần đạt trạng thái bão hòa (trên 85%), không thể “giữ” thêm nước, trong khi mưa vẫn kéo dài những ngày tới.
Đến nay, cơ quan chức năng đã ghi nhận 24 người tử vong do bão Yagi, trong đó 12 người bị sạt lở vùi lấp, 3 người bị lũ cuốn, còn lại do bão.
Nguy cơ lũ quét, sạt lở tại 130 quận, huyện, thị xã ở 17 tỉnh, thành phía Bắc, theo dân số (tính đến 21h 8/9)
(Theo dõi bản đồ nguy cơ lũ quét, sạt lở theo thời gian thực tại luquetsatlo.nchmf.gov.vn)
Dự báo từ nay đến 9/9, Tây Bắc Bộ có mưa to đến rất to, phổ biến 80-150 mm, cục bộ có nơi trên 250 mm. Vùng núi Đông Bắc Bộ và Thanh Hoá có lượng mưa nhỏ hơn, dao động 40-80 mm, cục bộ trên 150 mm. Mưa kéo dài đến 10/9 với lượng dự kiến giảm dần: Tây Bắc Bộ trong khoảng 50-100 mm, có nơi trên 200 mm; Đông Bắc Bộ phổ biến 30-60mm, có nơi trên 120 mm.
Lượng mưa từ 7/9 đến 8/9 tại các xã có nguy cơ sạt lở, lũ quét
Bên cạnh đó, trong 1-2 ngày tới, đỉnh lũ trên sông Thao tại Yên Bái và sông Hoàng Long tại Bến Đế trên báo động 3 – mức cao nhất, trong khi sông Lục Nam tại Lục Nam đạt báo động 3.
Trong hai ngày tới, các sông khác ở khu vực Bắc Bộ, Thanh Hóa cũng sẽ xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên sông nhỏ tại các tỉnh miền núi phía Bắc, đặc biệt là Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình và Sơn La lên mức báo động 2-3, có sông trên báo động 3. Đỉnh lũ ở sông Cầu, sông Thương, sông Bưởi, hạ lưu sông Mã (Thanh Hóa) tại Lý Nhân Mã lên mức báo động 1-2, có nơi vượt báo động 2.
Nguy cơ cao ngập lụt tại các vùng trũng thấp ven sông các tỉnh Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Bắc Giang, Thái Nguyên, Hòa Bình, Ninh Bình, Thanh Hóa và Hà Nội. Vùng núi có nguy cơ lũ quét và sạt lở đất trên các sườn dốc.
Theo cảnh báo về cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, thời gian mưa càng kéo dài, mức độ rủi ro càng cao, đặc biệt tại khu vực trung du, miền núi.
Nghiên cứu về lũ quét, sạt lở đất giai đoạn 2018-2019 công bố trên Tạp chí Khoa học và Công nghệ Đại học Thái Nguyên cho thấy, khi lượng mưa trong ngày vượt 100 mm hoặc tích luỹ cả đợt vượt 150 mm, lũ quét và sạt lở có thể xảy ra tại một số địa hình xung yếu. Hai ngày qua, nhiều tỉnh, thành ở vùng núi phía Bắc đã có lượng mưa vượt ngưỡng này, cho thấy nguy cơ rất cao.
Theo Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, trung bình mỗi năm vùng núi phía Bắc xảy ra khoảng 30 trận lũ quét. Năm 2008 ghi nhận số vụ kỷ lục với 69 trận. Lũ quét xảy ra ở cả những vùng vốn ít mưa, có dòng chảy nhỏ như Nâm Mức (Điện Biên).
Nguồn: Hướng dẫn phòng chống lũ quét, sạt lở đất của Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai
Thống kê của Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai giai đoạn 2007-2017 nêu, số người chết hoặc mất tích do lũ quét, sạt lở đất chiếm 10,1% tổng thiệt hại về người do thiên tai. Trong 15 tỉnh miền núi phía Bắc, sạt lở đất là nhiều nhất với 920 điểm nguy cơ, tiếp theo là lũ quét (450 điểm) và sạt lở bờ sông (383 điểm).
Trong đó, số liệu sạt lở trong 10 năm cho thấy, Hà Giang có hơn 9.700 hộ dân thường xuyên đối mặt nguy cơ lũ quét và sạt lở – cao nhất khu vực, tiếp theo là Lai Châu, Lào Cai, Sơn La khoảng 7.000 hộ. Ba tỉnh từng ghi nhận số người tử vong nhiều nhất do lũ quét, sạt lở là Yên Bái (131), Hà Giang (124), và Thái Nguyên (110).
Trước nguy cơ lớn, ông Hoàng Văn Đại khuyến cáo người dân theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo, đặc biệt là các tin cảnh báo mưa lớn, lũ quét. Người dân cần liên tục quan sát các dấu hiệu bất thường như nứt tường nhà, nứt sườn đồi quanh khu vực sinh sống. Đặc biệt, hạn chế di chuyển gần bờ sông suối, nơi nguy cơ sạt lở cao, nếu nghe thấy tiếng động lớn, phải nhanh chóng tìm nơi an toàn để tránh lũ quét hoặc sạt lở.
Người dân đang ở khu vực được khuyến cáo lũ quét, sạt lở hạn chế di chuyển khi không cần thiết. Nếu đi trên các tuyến đường quốc lộ cần quan sát dấu hiệu như nứt, sạt, hoặc nước chảy từ các sườn đồi. Trường hợp đi qua ngầm tràn, suối dốc cần cảnh giác với lũ quét bất ngờ từ thượng nguồn sau mưa lớn.