Hiện lũ ở các con sông miền Bắc liên tục dâng cao do mưa lớn gây ra bởi ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 3.
Từ 8h hôm qua (10/9) đến 8h hôm nay (11/9), các tỉnh Bắc Bộ và Thanh Hóa mưa to, một số nơi mưa đặc biệt lớn như: Cát Bà (Hải Phòng) 210 mm; Cao Sơn (Hòa Bình) 110 mm; Cẩm Phả (Quảng Ninh) 110 mm; Dân Hạ (Hòa Bình) 109 mm; Trung Hội (Thái Nguyên) 96 mm; Năm Làng (Cao Bằng) 94 mm, Yên Lương (Phú Thọ) 81 mm.
Mưa to, lũ các sông đang lên, 16 tỉnh thành đối diện nguy cơ lũ quét, sạt lở đất, trong đó có Hòa Bình, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ; tại Hà Nội, lũ vượt báo động hai 36 cm.
Cấp báo động lũ là gì?
Cấp báo động lũ là sự phân định cấp độ của lũ. Mỗi cấp độ lũ được xác định thông qua một giá trị mực nước tương ứng quy định tại các trạm thủy văn trên sông, suối, phản ánh mức độ nguy hiểm của lũ cũng như mức độ ngập lụt do lũ gây ra.
Và cấp báo động lũ được phân thành ba cấp căn cứ vào đặc điểm, độ lớn mực nước lũ và mức độ tác động của lũ lụt đến an toàn đê điều, bờ, bãi sông, công trình và dân sinh, kinh tế – xã hội trên khu vực.
Lũ sông Hồng đang không ngừng dâng cao
Có mấy mức báo động lũ?
Theo quy định, hiện nay có 3 mức báo động lũ sau đây:
+ Báo động cấp 1 là mức giới hạn mực nước cho biết trên sông đã bắt đầu có lũ nhưng nước lũ còn ở giới hạn trong lòng sông – tương đương cấp lũ nhỏ.
+ Báo động cấp 2 là mức giới hạn mực nước cho biết lũ trong sông đã lên đến mức trung bình, nước lũ bắt đầu gây ảnh hưởng ngập lụt và tác động xấu đến dân sinh, kinh tế, xã hội – tương đương lũ trung bình.
+ Báo động cấp 3 là mức giới hạn mực nước cho biết lũ trong sông đã lên đến mức cao, gây ảnh hưởng ngập lụt nghiêm trọng và có thể gây nguy hiểm cho đời sống sinh hoạt, sản xuất của nhân dân, đe dọa đến tính mạng và tài sản của nhân dân – tương đương lũ lớn.
Người dân cần nắm rõ các mức báo động để có biệp pháp ứng phó kịp thời nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của bản thân và gia đình!