Sáng sớm 22-10, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Đông Philippines đã mạnh lên thành bão, có tên quốc tế là bão Trami, hướng vào Việt Nam.
Vị trí và dự baoi1 hướn g di chuyển của bão Trami – Ảnh: nchmf
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, hồi 13 giờ, vị trí tâm bão Trami ở vào khoảng 13,5 độ Vĩ Bắc; 126,5 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông miền Trung Philippines. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8, giật cấp 10. Di chuyển theo hướng Tây Bắc, tốc độ 15-20 km/giờ.
Dự báo đến 13 giờ ngày 25-10, bão Trami ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc, 117,0 độ Kinh Đông; trên vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa 550 km về phía Đông Đông Bắc, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão cấp 11, giật cấp 14, di chuyển chủ yếu theo hướng Tây khoảng 15 km/giờ, đi vào Biển Đông.
Từ 72 đến 120 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, mỗi giờ đi được 15-20 km, cường độ tiếp tục mạnh thêm.
Vùng biển phía Đông khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7. Từ sáng ngày 24-10 tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 14, sóng biển cao 4-6 m, vùng gần tâm 6-8 m; biển động dữ dội.
Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Để chủ động ứng phó với mưa lớn, áp thấp nhiệt đới, Bộ trưởng NN-PTNT đề nghị các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Ninh đến Bình Định theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo. Thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền (bao gồm cả tàu du lịch) đang hoạt động trên biển biết để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
Duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Các tỉnh, thành phố trên triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Chủ động di dời, sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn.
Tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết, khu vực đã xảy ra sạt lở hoặc có nguy cơ xảy ra sạt lở.