Giá vàng trưa nay 28/7: Vàng miếng SJC mất sức hút thế này thì thôi rồi
Giá vàng hôm nay 28/7 tiếp tục giảm. Sau nhiều lần thử thách ngưỡng kháng cự vào tuần qua, giá vàng không duy trì được mốc 3.400 USD/ounce. Nguyên nhân được cho là do dòng tiền đã dịch chuyển sang thị trường chứng khoán, nơi nhiều cổ phiếu đang lập đỉnh mới.
Ngày 28 tháng 7 năm 2025, tạp chí Thế Giới Tiếp Thị đã đăng tải bài viết với tiêu đề “Giá vàng hôm nay 28/7: Vàng miếng SJC mất sức hút vì dòng tiền dịch chuyển sang thị trường “béo bở” này”. Nội dung như sau:
Giá vàng hôm nay 28/7 ở trong nước ổn định so với phiên giao dịch hôm qua
Theo khảo sát của phóng viên Thế giới Tiếp thị, giá vàng hôm nay 28/7 không có nhiều biến đổi so với giá vàng ngày hôm qua.
Giá vàng hôm nay 28/7: Tiếp tục giảm vì dòng tiền đã dịch chuyển sang thị trường “béo bở” này
Giá vàng miếng SJC được niêm yết cụ thể tại một số doanh nghiệp trong nước như sau:
Giá vàng miếng SJC được Tập đoàn DOJI niêm yết ở ngưỡng 119,6-121,1 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), mức giá không thay đổi ở cả hai chiều mua – bán so với hôm qua.
Giá vàng miếng SJC được Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn – SJC niêm yết ở ngưỡng 119,6-121,1 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), mức giá không thay đổi ở cả hai chiều mua – bán so với hôm qua.
Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu được doanh nghiệp giao dịch ở mức 119,6-121,1 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), mức giá không thay đổi ở cả hai chiều mua – bán so với hôm qua.
Giá vàng SJC tại Phú Quý được doanh nghiệp giao dịch ở mức 118,8-121,1 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), giá vàng không thay đổi ở cả hai chiều mua – bán so với hôm qua.
Với mốc giá trên, vàng miếng SJC đang cao hơn giá vàng thế giới khoảng 15 triệu đồng/lượng.
Đối với vàng nhẫn, cụ thể, SJC niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 114,5 – 117 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), không đổi so với sáng qua.
Phú Quý bình ổn giá vàng nhẫn ở cả hai chiều, giao dịch ở mức 115,1 – 118,1 triệu đồng/lượng.
PNJ giao dịch vàng nhẫn ở ngưỡng 116 – 119 triệu đồng/lượng, ổn định ở cả hai chiều.
DOJI giao dịch vàng nhẫn ở mức 116 – 118,5 triệu đồng/lượng, ổn định ở cả hai chiều.
Vàng nhẫn Bảo Tín Minh Châu cũng ổn định ở cả hai chiều, hiện giao dịch ở mức 116,2 – 119,2 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Giá vàng hôm nay 28/7 trên thị trường thế giới: Thị trường giằng co, xu hướng ngắn hạn chưa rõ ràng
Giá vàng hôm nay 28/7 trên thị trường thế giới đi ngang so với phiên trước đó, giữa lúc tâm lý thị trường đang phân hóa trước các dữ liệu kinh tế lớn sắp được công bố. Dù chịu nhiều áp lực giảm, kim loại quý vẫn duy trì được vai trò là tài sản trú ẩn an toàn trong bối cảnh bất ổn toàn cầu còn hiện hữu.
Theo ghi nhận từ Kitco vào lúc 4h30 sáng 28/7 (giờ Việt Nam), giá vàng hôm nay 28/7 giao ngay ổn định ở mức 3.338,36 USD/ounce, không thay đổi so với phiên trước. Quy đổi theo tỷ giá USD tại ngân hàng Vietcombank là 26.310 VND/USD, giá vàng thế giới tương đương khoảng 109,35 triệu đồng/lượng (chưa tính thuế và phí).
Tuần qua, thị trường vàng thế giới chứng kiến đà giảm nhẹ 0,62% khi kim loại quý không thể duy trì được đà tăng và liên tục thất bại khi chạm các mốc kháng cự quanh 3.400 USD/ounce. Trong phiên giao dịch cuối cùng của tuần, giá vàng mất hơn 1%, phản ánh sự rút lui của dòng tiền khỏi thị trường kim loại quý.
Nhà đầu tư xoay trục dòng tiền, vàng mất dần sức hút
Nguyên nhân chính khiến giá vàng suy yếu là do dòng tiền đầu tư đang chuyển hướng sang thị trường chứng khoán, nơi nhiều cổ phiếu đang lập đỉnh mới. Đồng thời, căng thẳng thương mại giữa các nền kinh tế lớn đã hạ nhiệt, khiến vàng không còn giữ được vai trò trú ẩn mạnh mẽ như trước.
Cụ thể, thông tin Chính phủ Mỹ và Nhật Bản sắp đạt thỏa thuận thương mại – trong đó hàng hóa nhập khẩu từ Nhật sẽ chịu mức thuế 15% – đang làm gia tăng kỳ vọng rằng Mỹ sẽ đạt được các thỏa thuận tương tự với EU. Khi nguy cơ chiến tranh thương mại giảm xuống, sức hấp dẫn của vàng với vai trò “phòng thủ” cũng suy yếu theo.
Giá cao hạn chế nhu cầu vàng vật chất
Một trong những yếu tố khác gây áp lực lên giá vàng là việc giá hiện đang ở mức cao, làm giảm nhu cầu vàng vật chất như vàng trang sức và vàng miếng. Theo báo cáo từ Hiệp hội Vàng Trung Quốc (CGA), tiêu thụ vàng trong nửa đầu năm nay đã giảm 3,54%, chủ yếu do mức giá cao khiến người dân thận trọng hơn trong chi tiêu.
Tuy nhiên, dòng tiền vào các quỹ ETF vàng vẫn tiếp tục gia tăng, cho thấy lực cầu đầu tư vẫn khá vững. Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), giá trị các quỹ ETF vàng tại Trung Quốc đã tăng thêm 8,8 tỷ USD chỉ trong 6 tháng đầu năm, phản ánh niềm tin dài hạn vào kim loại quý.
Thị trường phân hóa: Chuyên gia thận trọng – nhà đầu tư cá nhân lạc quan
Một khảo sát mới đây cho thấy giới chuyên gia và nhà đầu tư đang có cái nhìn khác biệt về triển vọng giá vàng ngắn hạn. Trong khi chỉ 14% chuyên gia tại Phố Wall (2 người) dự đoán giá vàng sẽ tăng trong tuần tới, thì 36% (5 người) cho rằng giá có thể giảm, và 50% còn lại (7 người) cho rằng giá sẽ đi ngang.
Ngược lại, cộng đồng nhà đầu tư cá nhân lại tỏ ra khá lạc quan. Trong số 206 nhà đầu tư tham gia khảo sát, có tới 66% (135 người) tin rằng giá vàng sẽ tăng, 19% dự báo giảm, và 15% cho rằng giá sẽ đi ngang.
Ông Phillip Streible – chiến lược gia thị trường tại Blue Line Futures – nhận định rằng sự giảm bớt lo ngại về chiến tranh thương mại đang khiến vàng mất dần vai trò trú ẩn. Theo ông, nhà đầu tư hiện tập trung vào kết quả kinh doanh doanh nghiệp và triển vọng các thỏa thuận thương mại mới, khiến vàng tạm thời mất điểm.
Lãi suất, USD và dữ liệu kinh tế sẽ là “cục nam châm” dẫn đường cho giá vàng
Ông Streible cũng dự báo giá vàng có thể tiếp tục giảm trong tuần tới nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) giữ nguyên lãi suất trong cuộc họp sắp tới. Chính sách tiền tệ trung lập có thể khiến đồng USD mạnh lên, tạo áp lực giảm lên giá vàng.
Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng nếu thị trường lao động Mỹ có tín hiệu suy yếu, khả năng Fed cắt giảm lãi suất trong tương lai sẽ tăng, qua đó tạo lực đẩy tích cực cho giá vàng.
Tuần tới, thị trường vàng sẽ chịu tác động mạnh từ các dữ liệu kinh tế quan trọng như báo cáo tăng trưởng GDP, chỉ số lạm phát, báo cáo việc làm, cũng như các quyết định chính sách tiền tệ từ Fed (Mỹ), Ngân hàng Canada và Ngân hàng Nhật Bản.
Giá vàng khó đoán nhưng vẫn giữ vị thế “trú ẩn an toàn”
Theo chuyên gia Darin Newsom từ Barchart, giá vàng trong tuần tới nhiều khả năng sẽ tiếp tục đi ngang do thị trường chưa có chất xúc tác đủ mạnh để tạo ra xu hướng mới. Tuy nhiên, ông nhấn mạnh rằng vai trò của vàng là tài sản phòng thủ trong bối cảnh bất ổn địa chính trị toàn cầu vẫn còn nguyên vẹn.
Một điểm đáng lưu ý là Trung Quốc được cho là đang âm thầm tích trữ vàng và chưa có dấu hiệu “xả hàng” trong ngắn hạn, điều này phần nào giúp giá vàng không bị lao dốc sâu.
Ông Marc Chandler – Giám đốc điều hành tại Bannockburn Global Forex – cảnh báo rằng nếu giá vàng xuyên thủng ngưỡng hỗ trợ 3.321,5 USD/ounce, đà giảm có thể kéo về 3.309 USD, thậm chí dưới mốc 3.300 USD. Kịch bản xấu nhất có thể đưa giá về vùng 3.250 USD/ounce – mức thấp chưa từng thấy trong nhiều tuần.
Tuy nhiên, theo HSBC và một số tổ chức đầu tư lớn, các nhịp giảm sâu được xem là cơ hội mua vào. Nếu giá vàng giảm mạnh về mức 3.000 USD/ounce, lực cầu từ các quỹ đầu tư tổ chức có thể tăng vọt.
Giá vàng hôm nay 28/7 cho thấy thị trường đang ở trạng thái lưỡng lự giữa nhiều yếu tố tác động trái chiều. Dù chịu nhiều áp lực ngắn hạn, vàng vẫn là tài sản chiến lược được giới đầu tư toàn cầu ưa chuộng trong môi trường nhiều rủi ro. Theo ông Christian Magoon – Giám đốc điều hành của Amplify ETFs – nếu các thỏa thuận thương mại quốc tế được hiện thực hóa, dòng tiền đầu tư có thể chuyển sang bạc – kim loại công nghiệp có tính ứng dụng cao – nhưng vàng vẫn duy trì được vai trò cốt lõi trong danh mục phòng thủ.
Trong dài hạn, vàng vẫn được kỳ vọng sẽ quay lại đỉnh cao lịch sử nếu lạm phát tăng trở lại, thị trường tài chính biến động mạnh, hoặc rủi ro địa chính trị tái bùng phát.